Gói thầu phân bón 13 tỷ tại Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội: Không sửa tiêu chí về điều kiện kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), Gói thầu số 02 Cung cấp phân bón phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2024) ghi nhận phản ánh của nhà thầu về một số tiêu chí bất cập. Sau đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đã tiến hành chỉnh sửa HSMT, nhưng nhà thầu tiếp tục phản ứng vì cho rằng HSMT chỉ được sửa một cách “nửa vời”.
Gói thầu số 02 Cung cấp phân bón phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2024) ghi nhận phản ánh của nhà thầu về một số tiêu chí bất cập. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu số 02 Cung cấp phân bón phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 (năm 2024) ghi nhận phản ánh của nhà thầu về một số tiêu chí bất cập. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu giá 13,823 tỷ đồng, được đấu thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, phát hành HSMT từ ngày 28/2/2024 và được thông báo đóng thầu lần 1 vào sáng ngày 18/3/2024. Trong thời gian mời thầu, đã có 3 lượt ý kiến đề nghị làm rõ HSMT.

Theo phản ánh của nhà thầu, HSMT đưa ra 2 yêu cầu bất cập là nhà thầu phải nộp cùng hồ sơ dự thầu (HSDT) tài liệu xác nhận của cơ quan thuế về việc không nợ thuế đến hết năm 2023; nhà thầu có quyết định công nhận lưu hành và thông báo tiếp nhận hợp quy của cơ quan quản lý nhà nước về phân bón đối với các loại: đạm urê, supe lân, kliclorua, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh.

Nhà thầu cho rằng, việc HSMT yêu cầu phải nộp cùng HSDT tài liệu xác nhận của cơ quan thuế về việc không nợ thuế đến hết năm 2023 là trái với quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, không căn cứ vào Mẫu số 04: HSMT mua sắm hàng hoá qua mạng, một giai đoạn hai túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT. Theo hướng dẫn tại Mẫu số 04 thì với các gói thầu đóng thầu trước ngày 31/3/2024, nhà thầu phải chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế của năm 2022.

Bên cạnh đó, nhà thầu cho rằng, về bản chất, các loại phân bón trên đều là những hàng hóa thông dụng có sẵn trên thị trường, có thể mua bán ở bất cứ cửa hàng hoặc đại lý kinh doanh nào. Việc HSMT yêu cầu tài liệu như trên là gây hạn chế cạnh tranh, vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu. Do đó, nhà thầu đề nghị Bên mời thầu, đơn vị tư vấn đấu thầu sửa đổi, hủy bỏ tiêu chí trên để có cơ sở lập HSDT.

Sau 2 lượt phản ánh của nhà thầu, ngày 12/3/2024, Chủ đầu tư đã tiến hành chỉnh sửa HSMT về nội dung nhà thầu phải chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế và gia hạn thời điểm đóng thầu đến sáng ngày 22/3/2024.

Tuy nhiên, Chủ đầu tư quyết đijnh bảo lưu yêu cầu về “quyết định công nhận lưu hành và thông báo tiếp nhận hợp quy” vì cho rằng, đây là quy định chuyên ngành và nhà thầu phải tuân thủ theo Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018: “Tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón”. Hiện nay, có rất nhiều mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Do đó, mục đích đưa ra quy định này là để lựa chọn nhà thầu uy tín tham gia cung cấp phân bón hỗ trợ cho nông dân thực hiện sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao an toàn, VietGAP, hữu cơ…

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho rằng, Gói thầu số 02 ngoài tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Theo đó, bắt buộc các tổ chức, cá nhân buôn bán phân bón phải có quyết định công nhận lưu hành và thông báo tiếp nhận hợp quy thì mới đủ điều kiện để được kinh doanh các mặt hàng này. Không có lý do gì mà nhà thầu tham gia đấu thầu lại thiếu các loại giấy tờ này.

Tuy nhiên, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trường hợp các loại giấy tờ này là bắt buộc phải có theo quy định của pháp luật chuyên ngành, thì tại thời điểm thương thảo hợp đồng hoặc sau khi có quyết định trúng thầu và cung cấp hàng hóa, nhà thầu xuất trình các loại giấy tờ này để chứng minh là được. Trong HSDT, nhà thầu chỉ cần làm cam kết các hàng hóa mình cung cấp đúng số lượng và bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của HSMT. Trong quá trình đánh giá HSDT, Bên mời thầu, Chủ đầu tư không được loại nhà thầu vì không đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục