Một nhà thầu tham dự Gói thầu thuộc Dự án Vận hành các chung cư Lô R4, R5 Khu TĐC 38,4 ha, phường An Khánh, TP. Thủ Đức vừa có văn bản kiến nghị về KQLCNT. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu có giá dự toán 8.683.495.028 đồng, phát hành HSMT từ ngày 27/1/2022 đến ngày 15/2/2022. Ngay khi phát hành HSMT, một nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ HSMT. Cụ thể, Nhà thầu cho biết, bản chất của công tác quản lý vận hành nhà chung cư là thu hộ/chi hộ, phần thu hộ/chi hộ có giá trị rất lớn nhưng đặc thù là không được hạch toán vào doanh thu. Doanh thu trên báo cáo tài chính của các đơn vị quản lý vận hành chỉ bao gồm tiền lương cho cán bộ, bộ phận bảo vệ, vệ sinh và một số chi phí hoạt động thường xuyên khác. Do đó, việc HSMT đưa ra tiêu chí doanh thu trên 29 tỷ đồng đạt điểm tối đa (6 điểm), từ 19,5 tỷ đến 29 tỷ đồng đạt 3 điểm, từ 13 tỷ - 19,5 tỷ đồng đạt 1 điểm là rất khó cho nhiều đơn vị dự thầu.
Nhà thầu cũng phản ánh, HSMT yêu cầu rất nhiều hệ thống quản lý chất lượng ISO (9001:2015; 14001:2015; 5001:2018; 45001:2018). Trong khi đó, phần lớn các đơn vị không đáp ứng đủ những tiêu chí này.
Đối với hợp đồng tương tự có giá trị trên 6,451 tỷ đồng, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có trên 10 hợp đồng để đạt được mức điểm tối đa (5 điểm); để đạt 3 điểm, nhà thầu phải có từ 5 đến 10 hợp đồng; từ 1 đến 4 hợp đồng, chỉ đạt 1 điểm. “HSMT yêu cầu số lượng hợp đồng tương tự như vậy là gây khó khăn cho đa số nhà thầu trong lĩnh vực này”, Nhà thầu cho biết.
Bên cạnh đó, HSMT yêu cầu nhân sự chủ chốt phải đóng bảo hiểm xã hội tại nhà thầu, đồng thời yêu cầu các chứng chỉ không phù hợp. Đơn cử như vị trí trưởng ban quản lý, HSMT yêu cầu phải có chứng chỉ đào tạo quản lý bệnh viện… Theo Nhà thầu, các nội dung nói trên tại HSMT đều chưa tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu.
Ngày 11/2/2022, Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) có văn bản phúc đáp và bảo lưu toàn bộ các tiêu chí trong HSMT. Theo chủ đầu tư này, các tiêu chí đã tuân thủ đúng quy định hiện hành, các yêu cầu về doanh thu và số lượng hợp đồng tương tự là để lựa chọn được đơn vị đủ năng lực, không phải điều kiện tiên quyết để loại bỏ nhà thầu. Việc yêu cầu nhân sự đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết để chứng minh khả năng huy động nhân sự của nhà thầu.
Ngày 28/2/2022, phóng viên đã liên hệ với Công ty TNHH Đầu tư xây dựng SECO - đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT của Gói thầu cũng như Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng TP.HCM nhưng không nhận được phản hồi.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, HSMT đã bộc lộ nhiều bất cập, không tuân thủ đúng hướng dẫn lập HSMT, hạn chế sự tham gia của đông đảo nhà thầu. “Cơ cấu thang điểm trong việc đánh giá hợp đồng tương tự là bất cập, khi Bên mời thầu đưa ra số lượng hợp đồng quá nhiều, dẫn tới nhà thầu có tới 4 hợp đồng vẫn chỉ đạt 1 điểm. Trong khi đó, yêu cầu nhân sự chủ chốt phải đóng bảo hiểm xã hội, kèm các chứng chỉ không phù hợp cũng gây bất lợi cho nhà thầu”, chuyên gia nhận định.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim là nhà thầu duy nhất vượt bước đánh giá kỹ thuật, được công bố trúng thầu với giá 7.659.000.000 đồng. Liên danh Công ty TNHH Quản lý nhà An Bình - Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ an ninh Việt Nam (giá dự thầu 7.762.227.892 đồng), Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (giá dự thầu 8.394.920.003 đồng) bị loại do không đạt năng lực, kinh nghiệm.