Gói thầu thiết bị giáo dục tại Đồng Tháp: Điều chỉnh tiêu chí mời thầu, 4 nhà thầu dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 04 thuộc Dự án Mua sắm thiết bị mầm non giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang trong thời gian lựa chọn nhà thầu. Quá trình mời thầu phát sinh ý kiến phản đối về một số tiêu chí đánh giá không phù hợp với quy định. Ghi nhận quan điểm của nhà thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) sau đó được Bên mời thầu điều chỉnh, thu hút sự tham dự của 4 nhà thầu.
Gói thầu số 04 yêu cầu cung cấp các loại thiết bị như: bàn, ghế học sinh - giáo viên; thiết bị gia dụng, đồ chơi... Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu số 04 yêu cầu cung cấp các loại thiết bị như: bàn, ghế học sinh - giáo viên; thiết bị gia dụng, đồ chơi... Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu số 04 yêu cầu cung cấp các loại thiết bị như: bàn, ghế học sinh - giáo viên; thiết bị gia dụng, đồ chơi..., có giá dự toán 15,96 tỷ đồng, trên tổng mức đầu tư của Dự án là 33,699 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, qua mạng, theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Chủ đầu tư là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đồng Tháp làm bên mời thầu.

Phản ánh đến Bên mời thầu, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vân Anh (TP.HCM) cho rằng, HSMT bao hàm nhiều tiêu chuẩn đánh giá bất cập, cần được điều chỉnh nhằm gia tăng tính cạnh tranh tại cuộc thầu.

Cụ thể, đối với danh mục 3 loại hàng hóa gồm: nhà chòi 01 khối cầu trượt xoắn; bộ vận động liên hoàn đa năng thiên nhiên; bộ vận động đa năng (thang leo, cầu trượt, ống chui) nốt nhạc, HSMT yêu cầu “đạt tiêu chuẩn EN71 hoặc tương đương”. Theo Nhà thầu, trong khi các loại đồ chơi tương tự tại HSMT được áp dụng tiêu chuẩn TCVN 6238-1:2017, thì riêng 3 loại hàng hóa kể trên lại yêu cầu áp dụng tiêu chuẩn EN71. “EN71 là tiêu chuẩn của các nước châu Âu áp dụng cho đồ chơi trẻ em nhập khẩu với những nội dung rất đặc thù, không thể có khái niệm chuẩn chứng nhận “tương đương” giữa các quốc gia. Việc áp dụng tiêu chuẩn của các quốc gia khác vào lãnh thổ Việt Nam ngoài quy định của Chính phủ, đặc biệt là đối với hàng hóa đã được kiểm soát bởi TCVN là không phù hợp quy định pháp luật”, Nhà thầu phân tích.

Bên cạnh đó, về thông số kỹ thuật của 3 loại hàng hóa trên, HSMT yêu cầu phải sử dụng nhựa PE nguyên khối, đồng thời mô tả quá chi tiết hình ảnh trang trí trên thiết bị (con vật: con voi, voi con, khỉ con, sóc, cú mèo), trong khi các loại thiết bị đồ chơi có tính liên hoàn tương tự lại không nêu tiêu chí cụ thể. Theo Nhà thầu, khó có nhà thầu nào đáp ứng được tiêu chí trên, vì để có được các chi tiết nhựa PE nguyên khối cùng hình ảnh trang trí như yêu cầu, đòi hỏi phải có khuôn đúc sẵn để đổ khuôn hoặc nhập khẩu sẵn từ Trung Quốc. Trong khi nhà thầu chỉ có 20 ngày chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Từ đó, không loại trừ trường hợp chỉ nhà thầu có sự chuẩn bị trước mới có thể đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, Nhà thầu cũng bày tỏ không đồng tình với quy định tại HSMT về việc cung cấp, lắp đặt thiết bị do cho rằng đây là yêu cầu tương đương với yêu cầu về hàng mẫu.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Nhà thầu, đồng thời xem xét, rà soát nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tốt, ngày 8/12/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp có văn bản chấp thuận điều chỉnh HSMT. Theo đó, cập nhật yêu cầu về tiêu chuẩn TCVN 6238-1:2017 đối với cả 3 sản phẩm được phản ánh, thay vì quy định tiêu chuẩn EN71 như trước; sử dụng chất liệu nhựa PE, thay vì nhựa PE nguyên khối đối với danh mục đồ chơi liên hoàn. Đồng thời, lược bỏ yêu cầu về hàng mẫu tại HSMT.

Hiện Bên mời thầu đang trong giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Tuyết Nga; Công ty TNHH MTV Trường Sơn Khoa; Liên danh Công ty TNHH Sản xuất thương mại Liên Thành Phát - Công ty CP Nghe nhìn Giáo dục; Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng. Các nhà thầu cùng đề xuất thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 150 ngày; thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày.

Tin cùng chuyên mục