Công việc chủ yếu của Gói thầu số 1HH-KhoHB Thi công xây dựng kho lưu trữ tài liệu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thuộc phần xây lắp. Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu trên có giá 53,412 tỷ đồng thuộc Dự án Kho lưu trữ tài liệu của EVN tại khu đất trạm lọc sạch Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Công trình do EVN làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án điện 1 - Chi nhánh EVN mời thầu. Đây là gói thầu hỗn hợp, được đấu thầu rộng rãi không qua mạng, phát hành HSMT từ ngày 4 - 24/8/2023, sau đó được gia hạn đến ngày 15/9/2023.
Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và HSMT nêu rõ, công trình nhà kho lưu trữ tài liệu là loại công trình dân dụng (công trình cấp III). Phạm vi công việc của nhà thầu đơn giản, bao gồm xây dựng khối nhà kho 4 tầng (móng cọc, kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, kiến trúc đơn giản) và cung cấp các thiết bị không phức tạp và không phải chuyển giao công nghệ, nhưng lại áp dụng mẫu HSMT cho gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp).
Theo Điều 3 Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT, EPC chỉ áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ, bảo hành, bảo trì dài hạn. EPC phù hợp với các công trình công nghiệp cơ khí, điện, dầu khí, hóa chất, xi măng, khai khoáng, cấp thoát nước, xử lý nước thải, rác thải mà việc thiết kế và sản xuất thiết bị không thể tách rời do yêu cầu cao của tính đồng bộ.
Đối chiếu quy định trên, Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu hiệu chỉnh lại HSMT cho phù hợp với quy mô, tính chất gói thầu đang mời.
Bên cạnh đó, Nhà thầu đề nghị Bên mời thầu làm rõ tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự tại HSMT với yêu cầu: “tương tự về bản chất và độ phức tạp của gói thầu, gồm các công việc sau: xây dựng, hoàn thiện khu nhà, cung cấp và lắp đặt các thiết bị đồng bộ (với phạm vi bao gồm nhưng không giới hạn các hạng mục: giá lưu trữ tài liệu, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thang máy, hệ thống điện), phù hợp với phạm vi công việc của gói thầu đang xét. Số lượng hợp đồng tương tự bằng 1, có giá trị tối thiểu là 37,5 tỷ đồng”.
Nhà thầu cho rằng, tiêu chí số lượng hợp đồng tương tự bằng 1 có thể hạn chế nhà thầu tham dự.
Ngày 16/8/2023, một nhà thầu khác cũng có văn bản đề nghị làm rõ nội dung tương tự.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban Quản lý dự án điện 1 - Chi nhánh EVN cho biết, đây là gói thầu hỗn hợp, phục vụ cho lưu trữ tài liệu nên HSMT có những yêu cầu cao hơn so với những gói xây lắp thông thường như: kính cũng phải khác kính thông thường, giá lưu trữ tài liệu là giá di động... với thiết kế đặc biệt nên HSMT áp dụng theo mẫu HSMT gói thầu EPC.
Về yêu cầu kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự có thể gây hạn chế cạnh tranh, ông Nam khẳng định, đó chỉ là ý kiến của nhà thầu. Ban đã báo cáo Tập đoàn để phản hồi sớm nhất.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, yêu cầu làm rõ của Nhà thầu là có cơ sở. Bởi ngay từ tên gói thầu chưa thể hiện được đây là gói thầu EPC; HSMT yêu cầu phạm vi công việc là xây lắp và cung cấp thiết bị, như vậy, đây là gói thầu PC. Việc áp dụng mẫu HSMT gói thầu EPC là chưa phù hợp với Thông tư số 11/2016/TT-BKHĐT.
Liên quan đến tiêu chuẩn đánh giá HSDT, ý kiến chuyên gia cho rằng, về tiêu chuẩn tài chính, việc HSMT yêu cầu 1 hợp đồng tương tự có giá trị tối thiểu 37,5 tỷ đồng với gói thầu quy mô hơn 50 tỷ đồng là không gây khó cho nhà thầu.
Về tiêu chuẩn hợp đồng tương tự, do Gói thầu có nhiều hạng mục và Bên mời thầu yêu cầu hợp đồng tương tự bằng 1, nên chuyên gia cho rằng, nhà thầu có quyền yêu cầu làm rõ về bản chất và độ phức tạp của Gói thầu để làm bài thầu tốt hơn.
Nguồn tin của Báo Đấu thầu vừa cập nhật, EVN đang hiệu chỉnh lại HSMT Gói thầu nhằm tăng thêm cơ hội cho nhà thầu tham dự.