Gói thầu xây lắp dân dụng tại Kon Tum: Yêu cầu nguồn cung vật liệu hạn chế nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Xây lắp và thiết bị thuộc Dự án Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của 2 nhà thầu tham dự. Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, trong quá trình mời thầu, một nhà thầu phản ánh yêu cầu về nguồn cung vật liệu tại hồ sơ mời thầu (HSMT) gây hạn chế sự tham dự của nhà thầu ngoại tỉnh.
Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT yêu cầu đối với vật liệu đất đắp, nhà thầu phải đề xuất vị trí mỏ đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT yêu cầu đối với vật liệu đất đắp, nhà thầu phải đề xuất vị trí mỏ đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá dự toán được phê duyệt 139,578 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đầu thầu rộng rãi, qua mạng. Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Kon Tum. Đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Giao Thủy Kon Tum. Tư vấn thẩm định HSMT, kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty TNHH MTV Tư vấn - Xây dựng HIGHLAND Kon Tum.

Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT bao hàm tiêu chuẩn đánh giá mang tính khu biệt, ngầm tạo thuận lợi cho các nhà thầu bản địa. Cụ thể, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu đối với vật liệu đất đắp, nhà thầu phải đề xuất vị trí mỏ đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum được cấp có thẩm quyền quyết định và đáp ứng về trữ lượng cho công trình, kèm theo giấy phép khai thác khoáng sản (bản sao công chứng). Nội dung này được áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.

Theo nhà thầu kiến nghị, việc HSMT giới hạn phạm vi nguồn cung vật liệu đất đắp trên địa bàn tỉnh Kon Tum là không phù hợp với quy định của pháp luật, vô hình trung tạo rào cản, “giấy phép con” đối với nhà thầu ngoài địa phương, đi ngược lại tinh thần cạnh tranh được quán triệt tại Chỉ thị 47/CT-TTg. Đồng thời, việc yêu cầu nhà thầu phải đính kèm giấy phép khai thác khoáng sản của đơn vị khai thác là không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn và làm khó nhà thầu. “Qua quá trình khảo sát tìm kiếm nguồn cung, doanh nghiệp chúng tôi nhận thấy, số lượng mỏ đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum là rất ít, do đó, không loại trừ trường hợp có sự canh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu địa phương và ngoại tỉnh trong việc đàm phán ký kết hợp đồng nguyên tắc với các mỏ đất để bảo đảm điều kiện dự thầu”, Nhà thầu chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Kon Tum lý giải, việc giới hạn địa bàn cung ứng vật liệu sẽ giúp Chủ đầu tư xác định được năng lực của đơn vị cung cấp, từ đó, bảo đảm về chất lượng, tính hợp lệ, cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng của các loại vật tư, vật liệu thi công. Do đó, Chủ đầu tư bảo lưu tiêu chí tại HSMT đã phát hành và tiến hành mở thầu theo đúng kế hoạch.

Theo một chuyên gia đấu thầu, việc đưa ra quy định như trên dễ dẫn đến các hạn chế cạnh tranh. Bởi, trường hợp nhà thầu đề xuất nguồn cung ngoài địa phương, nhưng chứng minh được tính khả thi trong đơn giá dự thầu, tổng thể giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công tại HSDT, thì vẫn có thể được chấp nhận.

Trong số 2 nhà thầu tham dự, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng số 6 Kon Tum - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng tổng hợp Huy Hùng - Công ty CP Chiến Thắng đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 540 ngày. Trong 1 năm trở lại đây, Công ty TNHH Xây dựng số 6 Kon Tum được công bố trúng khoảng 7 gói thầu trên địa bàn tỉnh Kon Tum, quy mô trên dưới 20 tỷ đồng. Trong đó, 4 gói thầu do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Giao Thủy Kon Tum giữ vai trò tư vấn lập HSMT; hoặc tư vấn tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán.

Nhà thầu tham dự còn lại là Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng, đề xuất thời gian thực hiện hợp đồng 520 ngày.

Tin cùng chuyên mục