Gói thầu xây lắp tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên): Mâu thuẫn về yêu cầu vật liệu đất đắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu số 01XL Toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Khoan Hậu, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) làm chủ đầu tư phát sinh nhiều đề nghị làm rõ của nhà thầu liên quan đến yêu cầu về vật liệu đất đắp. Đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT) đã có văn bản làm rõ nhưng các nhà thầu không đồng thuận.
Gói thầu số 01XL Toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Khoan Hậu, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có giá gần 28 tỷ đồng
Gói thầu số 01XL Toàn bộ phần xây lắp công trình thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Khoan Hậu, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) có giá gần 28 tỷ đồng

Gói thầu trên có giá 27,967 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 10 - 28/6/2024. Trong thời gian mời thầu ghi nhận phát sinh 2 văn bản làm rõ cùng liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công Gói thầu.

Một nhà thầu cho biết, theo Bảng tiên lượng trong HSMT, toàn bộ phần xây lắp công trình có tính chi phí: thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, phí cấp quyền khai thác khoáng sản. “Điều này có nghĩa là nguồn đất đắp sử dụng cho công trình là nguồn đất tận thu. Theo tìm hiểu của nhà thầu, các công trình đang thi công trên địa bàn thị xã Sông Cầu có sử dụng đất đắp đều từ nguồn tận thu để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cũng theo Bảng tiên lượng trong HSMT, các đầu mục [2.2], [3.1.2], [3.5.7], [3.6.8], [4.1.2] lại quy định sử dụng nguồn đất đắp cung cấp. Như vậy, HSMT có sự mâu thuẫn, chưa rõ ràng trong yêu cầu về vật liệu đất đắp”, một nhà thầu phản ánh.

Một nhà thầu khác chia sẻ, việc HSMT vừa yêu cầu vật liệu tận thu, có tính các loại thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, vừa yêu cầu nguồn đất đắp cung cấp dẫn tới khó khăn cho nhà thầu khi lập hồ sơ dự thầu (HSDT), đặc biệt là khâu tính toán chi phí dự thầu. “Cần phân biệt rõ 2 nguồn vật liệu đất đắp này: Vật liệu tận thu, tận dụng từ các khu bãi khác mới áp dụng các loại thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Nếu là vật liệu từ nguồn đất đắp cung cấp, tức là nhà thầu mua từ các mỏ có giấy phép khai thác, nghĩa vụ trả các loại thuế, phí trên thuộc về chủ mỏ, nhà thầu chỉ phải trả tiền đất. Như vậy, HSMT đưa ra 2 yêu cầu đối lập, mâu thuẫn nhau đối với cùng một loại vật liệu. Nếu không thực sự tỉnh táo trong khâu lập HSDT, tính toán chi phí dự thầu, chủ động nắm bắt các nguồn đất đắp, nhà thầu không thể dự thầu một cách hiệu quả, thuận lợi”, nhà thầu cho biết.

Ngày 24/6/2024, Công ty TNHH Vạn Hưng Tâm (đơn vị tư vấn lập HSMT) đã có văn bản gửi Chủ đầu tư và các nhà thầu liên quan đến việc làm rõ HSMT Gói thầu số 01XL. Đơn vị tư vấn cho biết, nhà thầu khi tham dự Gói thầu có trách nhiệm tìm hiểu, đề xuất các nguồn đất đắp từ bất cứ nguồn đất nào từ các mỏ đất được cấp giấy phép khai thác hoặc thông qua việc mua bán, tận thu, miễn sao đất có nguồn gốc hợp pháp, được Nhà nước cấp phép, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu nêu trong HSMT và tính các chi phí này vào đơn giá dự thầu.

Phản hồi đến Báo Đấu thầu, các nhà thầu cho biết, không đồng thuận với nội dung trả lời trên. “Nhà thầu không thắc mắc về nguồn vật liệu cũng như các tiêu chuẩn thi công, nghiệm thu. Nhà thầu nhận thấy có sự mâu thuẫn, không thống nhất trong cách áp dụng tiêu chuẩn đánh giá của HSMT đối với cùng một loại vật liệu (cùng bảng tiên lượng, lúc thì yêu cầu các loại thuế, phí với đất tận thu, lúc lại yêu cầu đất đắp cung cấp với từng đầu mục). Văn bản trả lời của đơn vị tư vấn chưa làm rõ được yêu cầu của HSMT”, một nhà thầu chia sẻ.

Ngày 27/6/2024, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sông Cầu để xác minh thông tin về các phản ánh của nhà thầu. Ông Ngọc Anh cho biết, sẽ sớm phản hồi các nội dung này.

Theo một số chuyên gia đấu thầu, tiêu chuẩn đánh giá của HSMT cần được xây dựng khoa học, chính xác và có sự thống nhất, đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu dự thầu. Nếu chủ đầu tư cho rằng không phân biệt nguồn vật liệu, thì tiêu chuẩn đánh giá cũng cần được thống nhất. Đặc biệt, khi phát sinh nhiều yêu cầu làm rõ liên quan đến nội dung này, chủ đầu tư cần rà soát lại toàn bộ các tiêu chí để đảm bảo tránh phát sinh rắc rối, khiếu nại trong việc đánh giá HSDT.

Tin cùng chuyên mục