Gói thầu xử lý chất thải tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): Quyết định hủy thầu gây hoài nghi, tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong vòng chưa đầy 1 tháng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) đã phê duyệt 2 văn bản đối lập nhau, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (LCNT) và hủy kết quả LCNT Gói thầu Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế lây nhiễm, chất thải nguy hại không lây nhiễm vì không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
Gói thầu Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế cho Bệnh viện Nhân dân 115 yêu cầu nhà thầu có trách nhiệm phân loại rác. Ảnh minh họa: Hà An
Gói thầu Dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế cho Bệnh viện Nhân dân 115 yêu cầu nhà thầu có trách nhiệm phân loại rác. Ảnh minh họa: Hà An

Tuy nhiên, Bệnh viện vẫn vấp phải kiến nghị của nhà thầu đề nghị đánh giá lại hồ sơ dự thầu (HSDT) vì cho rằng kết quả đánh giá không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng và uy tín của nhà thầu.

Gói thầu trên có giá 2,534 tỷ đồng với thời gian thực hiện hợp đồng là 365 ngày.

Theo Báo cáo đánh giá HSDT được phát hành ngày 21/9/2023, trong số 4 nhà thầu tham dự, Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu (mAc) có giá chào thấp nhất (1,676 tỷ đồng) nhưng bị loại vì cam kết và phương pháp luận của HSDT không có nội dung “thực hiện đúng quy định và chịu trách nhiệm việc phân loại rác theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế”; HSDT không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Phụ lục 4 đính kèm giấy phép môi trường (GPMT) không ghi phương tiện vận chuyển.

Nhà thầu có giá thấp thứ hai - Công ty CP Môi trường Việt Úc (1,769 tỷ đồng) được đánh giá đạt yêu cầu (các nhà thầu còn lại không được đánh giá HSDT). Ngày 4/10/2023, kết quả LCNT được phê duyệt, Nhà thầu Việt Úc trúng thầu.

Tuy nhiên, hơn 20 ngày sau, Bệnh viện hủy kết quả LCNT với lý do “không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT”. Theo Báo cáo đánh giá HSDT lần 2 được phát hành ngày 20/10/2023 trên cơ sở yêu cầu rà soát của Chủ đầu tư do có nhà thầu kiến nghị về kết quả LCNT, cả 4 nhà thầu đều không đạt yêu cầu về kỹ thuật.

Trong đó, Nhà thầu mAc tiếp tục bị đánh giá không đạt với các lý do như trên. Nhà thầu Việt Úc không đạt do giải pháp và phương pháp luận của HSDT không có nội dung về trách nhiệm phân loại rác.

Dù đã hủy thầu nhưng Nhà thầu mAc tiếp tục kiến nghị đánh giá lại HSDT vì cho rằng mình đáp ứng đầy đủ yêu cầu của HSMT và đánh giá HSDT lần 2 vẫn không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của Nhà thầu.

Theo mAc, mẫu GPMT theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 không thể hiện phương tiện vận chuyển chất thải, nhưng hồ sơ đề xuất cấp GPMT đã có đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại để cơ quan nhà nước quản lý và giám sát. Nhà thầu cũng đã cung cấp Văn bản số 01/2023/CVNM-mAc ngày 1/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về danh sách phương tiện vận chuyển cho bệnh viện với cam kết đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, GPMT mới đã tích hợp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

“Mặc dù vậy, nhà thầu không có cơ hội được làm rõ HSDT. Phản hồi kiến nghị về kết quả LCNT lần 1 của nhà thầu, ngày 19/10/2023, Chủ đầu tư chỉ cho biết là đang giao cho các đơn vị liên quan rà soát lại HSMT và Báo cáo đánh giá HSDT, sau đó đột ngột hủy thầu vào ngày 25/10/2023 trong khi chưa có trả lời rõ ràng, xác đáng về các nội dung kiến nghị”, đại diện mAc phản ánh.

Về trách nhiệm phân loại rác, Thông tư số 20/2021/TT-BYT quy định, chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh. Mặt khác, theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, chất thải nguy hại phải được chủ nguồn thải phân loại từ thời điểm chuyển giao cho cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại, nên theo Nhà thầu mAc, trách nhiệm này thuộc về cơ sở y tế. Thực tế, Nhà thầu Việt Úc có cùng cách hiểu này nên HSDT cũng không chào giải pháp và phương pháp luận về phân loại rác. “Thay vì loại cả 2 nhà thầu ngay từ đầu, Bên mời thầu chỉ loại mAc. Điều này cho thấy cách triển khai không minh bạch, không nhất quán, không tạo cơ hội cho nhà thầu làm rõ”, đại diện mAc nhấn mạnh.

Trước phản ánh của nhà thầu, Báo Đấu thầu đã liên hệ nhiều lần với Bệnh viện Nhân dân 115 nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Theo chia sẻ của ông Trần Linh Huân - giảng viên Khoa Luật thương mại thuộc Trường Đại học Luật TP.HCM, đối với trường hợp vận chuyển chất thải thuộc nhóm chất thải nguy hại, theo quy định, phải sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại đã được đăng ký trong GPMT. Việc khai báo, đăng ký phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại thực hiện ở giai đoạn đề xuất cấp GPMT.

Đối với chủ nguồn thải chất thải y tế, theo ông Huân, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã định nghĩa: “Chủ nguồn thải là tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc được giao quản lý, điều hành cơ sở phát sinh chất thải”. Như vậy, trong trường hợp này, chủ nguồn thải là chủ cơ sở y tế trong trường hợp chất thải y tế được phát sinh tại cơ sở này. Đơn vị thuê ngoài cung cấp dịch vụ chỉ trở thành chủ nguồn thải chất thải y tế khi đã hoàn tất việc chuyển giao chất thải y tế từ chủ cơ sở y tế cho đơn vị này.

Tin cùng chuyên mục