Hiện chưa có quy định và chế tài cụ thể đối với vi phạm khi thực hiện dự án PPP. Ảnh: Nhã Chi |
Thành phố thể hiện sự đồng tình, mong chờ sớm có Luật Đầu tư theo hình thức PPP để có thể tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.
Thực tiễn triển khai nhiều dự án lớn
Số liệu của UBND TP. Hà Nội cho thấy, hiện có tổng cộng 20 dự án PPP thuộc thẩm quyền của Thành phố đã ký hợp đồng và triển khai thi công, tổng mức đầu tư là 42.417 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, 9 dự án đang triển khai thi công và 3 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang đàm phán ký kết hợp đồng.
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, UBND TP. Hà Nội cho biết, trong các năm 2016 và 2017, UBND Thành phố đã tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đăng ký thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP và nhận được phản hồi tốt với 95 dự án được đề xuất. Tuy nhiên, do việc thực hiện dự án PPP tương đối phức tạp, đồng thời quỹ đất thanh toán cho các dự án BT trên địa bàn Thành phố còn hạn chế, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành ưu tiên thực hiện chuẩn bị đầu tư đối với 35 dự án, bao gồm 16 dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 và 19 dự án giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các dự án này chủ yếu là dự án khép kín đường vành đai, cầu qua sông Hồng, các đường trục hướng tâm và dự án xử lý chất thải, môi trường, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ tận dụng được khả năng thi công và quản lý của các nhà đầu tư.
Trên địa bàn Thành phố còn có 5 dự án giao thông đã được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Bộ Giao thông vận tải là đại diện cơ quan nhà nước ký hợp đồng.
Vẫn còn vướng ở chính sách
Tuy đã triển khai nhiều dự án PPP, nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt xuất phát từ sự chưa đồng bộ về chính sách liên quan đến PPP.
Dù Nghị định 63/2018/NĐ-CP mới ban hành và có hiệu lực với nhiều quy định tiến bộ, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả công tác đấu thầu dự án đầu tư theo hợp đồng BT, nhưng UBND TP. Hà Nội cho biết, thực tế triển khai lại vướng với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.
Điều 35 Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) được phê duyệt. Quy định này nhằm xác định sát giá trị quỹ đất đối ứng ngay từ bước đấu thầu, tránh việc định giá đất rẻ, thất thoát tài sản công.
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, Luật Quy hoạch đô thị lại quy định nhà đầu tư chỉ được giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết quỹ đất sau khi được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án, trong khi việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện sau khi BCNCKT, thiết kế kỹ thuật - dự toán được phê duyệt.
UBND TP. Hà Nội chỉ ra thêm, hiện chưa có quy định và chế tài cụ thể đối với vi phạm khi thực hiện dự án PPP; quy định về lãi vay chưa rõ ràng trong trường hợp nhà đầu tư hoàn thành dự án BT nhưng chậm giao quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư do nguyên nhân khách quan; quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường…
Từ những vướng mắc về chính sách, UBND TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sớm nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo hình thức PPP. Trong Luật PPP quy định rõ trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, quản lý hoạt động kinh doanh khai thác công trình và các quy định chuyên ngành trong quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP nói chung, theo loại hợp đồng BT nói riêng.
Hà Nội cũng kiến nghị hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chặt chẽ về tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức PPP, gồm các tiêu chí lựa chọn các hình thức hợp đồng; tăng cường công khai, minh bạch thông tin dự án PPP, trong đó thực hiện đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các dự án BT.
Thực tế, khi xây dựng Nghị định 63/2018/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT cũng xác định, ở tầm nghị định chỉ có thể giải quyết một số vướng mắc trước mắt đối với triển khai dự án PPP. Nhiều vấn đề khác, trong đó có sự chồng chéo, xung đột về quy định của pháp luật về đầu tư PPP với các luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước… được kỳ vọng sẽ có thể giải quyết khi có Luật về PPP.