Hai dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long: Cạn nguồn vật liệu, nhà thầu gồng sức bù tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đang gặp nhiều trở ngại do nguồn vật liệu đến tay nhà thầu nhỏ giọt. Trong khi đó, chỉ còn 1,5 tháng nữa là thủ tục khai thác mỏ vật liệu theo cơ chế đặc thù đối với các nhà thầu hết hiệu lực.
Hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau đều được khởi công từ tháng 1/2023. Ảnh: Công Thành
Hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau đều được khởi công từ tháng 1/2023. Ảnh: Công Thành

140 mũi giáp công trên công trình

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải), tổng chiều dài tuyến cao tốc của 2 DATP là 110,87 km, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang dài 37,65 km, đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 73,22 km. Tổng mức đầu tư là 27.523,39 tỷ đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 10.370,74 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 17.152,65 tỷ đồng.

Hai DATP có 4 gói thầu xây lắp, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có 1 gói thầu giá trị 7.555 tỷ đồng; đoạn Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu: XL-01, XL-02, XL-03 với giá trị tương ứng 6.471 tỷ đồng, 3.717 tỷ đồng và 3.029 tỷ đồng. Hai dự án được khởi công từ tháng 1/2023, theo kế hoạch cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

“Hiện cả 2 DATP đã tổ chức thi công đồng loạt trên tuyến với 140 mũi thi công, huy động 440 đầu máy thiết bị và 1.072 nhân sự. Tổng giá trị sản lượng đến nay là 2.479/18.804 tỷ đồng (không gồm dự phòng), đạt 13% giá trị hợp đồng, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang đạt 1.089/6.846 tỷ đồng (16%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau đạt 1.390/11.958 tỷ đồng (11,7%)”, đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết.

Về tình hình giải ngân, Chủ đầu tư chia sẻ, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của 2 dự án đến nay đạt 6.138/7.179 tỷ đồng (86%), trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 2.809,6/3.022 tỷ đồng (93%); đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 3.329/3.932 tỷ đồng (85%). Lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến nay là 8.108 tỷ đồng, trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang là 3.813 tỷ đồng, đoạn Hậu Giang - Cà Mau là 4.295 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ đầu tư cho biết, tiến độ chung của 2 dự án hiện chậm khoảng 5 tháng so với kế hoạch.

Nhà thầu cam kết thi công bù tiến độ ngay khi có vật liệu

Về nguyên nhân chậm tiến độ, các nhà thầu thi công tại 2 dự án trên đều bị động do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay. Bên cạnh đó, thời tiết xấu, triều cường dâng cao, một số vị trí còn vướng mặt bằng thi công cầu cũng ảnh hưởng đến tiến độ.

Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền đường cho 2 dự án là hơn 18 triệu m3, đến nay các địa phương mới bố trí được khoảng 3 triệu m3 nhưng thực tế nhà thầu tiếp nhận về công trường chỉ hơn 700.000 m3 (tỉnh An Giang khoảng 200.000 m3; tỉnh Đồng Tháp 500.000 m3; tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3). Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục mở mỏ mới còn chậm, khó đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Theo Công ty VNCN E&C (được giao khai thác vị trí 2 của mỏ Vàm Trà Ôn) và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (mỏ NSHT vị trí 16A), hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ chưa được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt. Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Long phải chờ chủ trương bổ sung khu vực không đấu giá nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo.

Đại diện Liên danh Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C - Tổng công ty Xây dựng số 1 - Công ty CP Hải Đăng - Công ty TNHH Liên hợp xây dựng Vạn Cường - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 đang thi công Gói thầu XL-03 thuộc DATP đoạn Hậu Giang - Cà Mau (3.028,742 tỷ đồng) cho biết, nhiều tháng qua, các nhà thầu chật vật tìm nguồn vật liệu. Tình trạng máy móc và nhân sự chờ vật liệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chung của Gói thầu. Chỉ cần chủ động nguồn vật liệu, các nhà thầu cam kết tăng tốc thi công bù tiến độ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm khẳng định, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chỉ được áp dụng cơ chế đặc thù trong 2 năm 2022 và 2023. Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho nhà thầu không còn nhiều. Các tỉnh cần đẩy nhanh các thủ tục và xử lý song song, đồng thời các bước để rút ngắn thời gian hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục