Hai năm chạy đua “điện tử hóa” đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2 năm kể từ khi Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) mới được đưa vào vận hành (16/9/2022 - 16/9/2024) cũng là khoảng thời gian Hệ thống không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện và bổ sung nhiều tính năng mới, đáp ứng kịp thời các quy định của Luật Đấu thầu năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hệ thống đang và sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện nhiều tính năng hơn nữa, giúp quá trình lựa chọn nhà thầu (LCNT) công bằng, minh bạch, đạt hiệu quả cao.
Các tính năng và cơ sở dữ liệu thông tin của Hệ thống e-GP được người sử dụng đánh giá cao. Ảnh: Tiên Giang
Các tính năng và cơ sở dữ liệu thông tin của Hệ thống e-GP được người sử dụng đánh giá cao. Ảnh: Tiên Giang

Hệ thống e-GP mới do Nhà đầu tư - Công ty TNHH FPT IS (FIS), Doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia (IDNES) xây dựng trên cơ sở hợp đồng đối tác công tư (PPP) ký với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Đây là hợp đồng PPP đầu tiên về công nghệ thông tin tại Việt Nam. Theo đó, Hệ thống được bổ sung nhiều phân hệ, chức năng, hướng tới quản lý xuyên suốt quá trình mua sắm công điện tử.

Khi bắt đầu chuyển tiếp từ Hệ thống cũ, Hệ thống e-GP mới đã bổ sung, sử dụng chứng thư số công cộng cho quá trình xác thực thông tin của tổ chức/cá nhân đối với các nghiệp vụ LCNT và lựa chọn nhà đầu tư.

Ngày 1/1/2023, Hệ thống e-GP chính thức triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) đối với các gói thầu chia phần, đấu thầu thuốc, sơ tuyển và quan tâm. Hệ thống có thể triển khai liền mạch đối với gói thầu chia nhiều phần, thậm chí lên tới hàng nghìn phần, giúp các cơ sở y tế trên cả nước thuận tiện trong việc LCNT, góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt thuốc và vật tư y tế. Hoạt động ĐTQM đảm bảo quản lý thống nhất thông tin, an toàn, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Tháng 4/2023, Hệ thống e-GP nâng cấp nhiều tính năng hỗ trợ nhà thầu trong công tác đánh giá đối thủ và tìm kiếm cơ hội đấu thầu tiềm năng.

Trong tháng 7 và tháng 8/2023, Hệ thống e-GP triển khai tính năng tổ chức LCNT đối với các gói thầu sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB), ghi dấu ấn quan trọng trong việc hoàn tất chuyển đổi các quy trình ĐTQM từ Hệ thống e-GP cũ sang Hệ thống e-GP hiện tại, từ đó thống nhất quản lý đấu thầu trên một nền tảng duy nhất.

Ngày 15/8/2023, Hệ thống e-GP triển khai tính năng trong công tác lựa chọn nhà đầu tư qua mạng dành cho người có thẩm quyền, bên mời thầu (BMT) phát hành E-KSQT, E-HSMST, E-YCSBNLKN và nhà đầu tư nộp E-HSQT, E-HSDST, E-HSĐKTHDA đối với dự án PPP, dự án đầu tư sử dụng đất, đem lại nhiều lợi ích.

Tháng 9/2023, Hệ thống e-GP bổ sung các tính năng mới nhằm hoàn thiện và nâng cao trải nghiệm cho người dùng như: lập giá gói thầu; lập giá dự thầu dành cho nhà thầu; thống kê, giám sát hoạt động đấu thầu; thống kê, giám sát đấu thầu trên trang chủ; phân tích chủ đầu tư (CĐT) hoặc BMT; bổ sung tính năng tìm kiếm giúp CĐT tối ưu trong công tác lập dự toán…

Ngày 1/1/2024, Hệ thống triển khai nâng cấp lớn theo quy định tại Luật Đấu thầu 2023 và Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT. Theo đó, ngày 27/2/2024 khi Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực, Hệ thống đã được nâng cấp.

Ngày 26/4/2024, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về LCNT và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được ban hành và có hiệu lực. Hệ thống tiếp tục được nâng cấp, bổ sung tính năng nhằm đáp ứng biểu mẫu đấu thầu mới được quy định tại thông tư này.

Theo đó, Hệ thống bổ sung thêm luồng, tính năng mới cho 4 trường hợp, gồm: gói thầu mua sắm hàng hóa theo hình thức mua sắm tập trung áp dụng LCNT theo khả năng cung cấp; gói thầu dịch vụ phi tư vấn chia làm nhiều phần (lô); gói thầu xây lắp áp dụng loại hợp đồng theo kết quả đầu ra; gói thầu dịch vụ phi tư vấn áp dụng loại hợp đồng theo thời gian.

Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng nhà thầu được phép đăng ký tham gia và tham dự thầu trên Hệ thống, hoàn thiện tính năng cho phép CĐT công khai thông tin chủ yếu của hợp đồng. Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Luật Đấu thầu và hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT, CĐT phải công khai thông tin này chậm nhất là 5 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Ngoài việc cập nhật các biểu mẫu, Hệ thống cũng hoàn thiện và bổ sung tính năng giúp CĐT công khai danh sách nhà thầu bị đánh giá về uy tín trong việc tham dự thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; công khai thông tin kết quả thực hiện hợp đồng, danh sách hàng hóa đã được sử dụng theo Điều 17, Điều 18 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Ngày 1/6/2024, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phối hợp cùng Bộ Y tế và Bộ KH&ĐT nâng cấp, bổ sung một số tính năng mới đáp ứng nhu cầu ĐTQM với các gói thầu mua thuốc theo quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT. Cụ thể, Hệ thống đã cập nhật tính năng kế hoạch LCNT về việc phân chia gói thầu và nhóm thuốc. Về quy trình và thủ tục LCNT cung cấp thuốc, Hệ thống cập nhật các tính năng lập hồ sơ mời thầu đối với BMT, nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) dành cho nhà thầu theo các biểu mẫu mới nhất.

Hệ thống đã hoàn thiện thêm 2 luồng tổ chức LCNT qua mạng cho gói thầu bán thành phẩm dược liệu có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa và gói thầu vị thuốc cổ truyền có dạng bào chế cao, cốm, bột, dịch chiết, tinh dầu, nhựa, gôm, thạch đã được tiêu chuẩn hóa. Loại gói thầu này thực hiện theo các quy định tại Phụ lục V Thông tư số 07/2024/TT-BYT.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, kể từ khi đưa vào vận hành, Hệ thống e-GP mới không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện và liên tục bổ sung nhiều tính năng mới của phân hệ Cổng thông tin. Một trong những điểm quan trọng là Hệ thống e-GP luôn đảm bảo việc cập nhật các quy định mới của Luật Đấu thầu 2023 và các văn bản hướng dẫn một cách nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng tốt hơn công tác ĐTQM của các chủ thể tham gia.

Về phía người dùng, cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá cao các tính năng và cơ sở dữ liệu thông tin của Hệ thống e-GP, đặc biệt là dữ liệu thông tin về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu được cập nhật, liên thông với dữ liệu của các hệ thống quản lý nhà nước khác (thuế, doanh nghiệp).

Cán bộ Ban Quản lý dự án huyện Đất Đỏ cho hay, những nội dung chủ yếu liên quan tới năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu như báo cáo tài chính hoặc tài liệu về doanh thu, tài sản ròng, tình hình thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế, nguồn lực tài chính, hợp đồng đã và đang thực hiện… là vô cùng quan trọng và cần được tiếp tục công khai hơn nữa trên Hệ thống e-GP để hỗ trợ BMT/tổ chuyên gia đánh giá HSDT chuẩn xác hơn.

Để hoàn thiện Hệ thống e-GP, nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tiếp tục hệ thống hóa, liên kết các nguồn dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ của nhân sự chủ chốt để kiểm chứng năng lực nhân sự được nhà thầu đề xuất.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Hệ thống e-GP đang được xây dựng và sẽ hoàn thành, đưa vào ứng dụng thêm tính năng mua sắm trực tuyến và chào hàng trực tuyến trong năm 2024. Hệ thống sẽ hoàn thiện tính năng đấu thầu “một cửa” thông qua kết nối với Hệ thống đăng ký kinh doanh, Kho bạc Nhà nước để đáp ứng hạ tầng triển khai mọi công tác trong quá trình LCNT trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, Hệ thống sẽ bổ sung các mẫu mới đối với hình thức LCNT gói thầu EPC, EP, PC, EC qua mạng; các mẫu mới về máy đặt, máy mượn (LCNT theo số lượng dịch vụ kỹ thuật) theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Đấu thầu 2023.

Tin cùng chuyên mục