Đến năm 2016, ngân sách mua sắm công xanh của Hàn Quốc đạt 2,8 tỷ USD, tăng 3,5 lần so với năm 2005. Ảnh: Tường Lâm
Nền tảng pháp lý rõ ràng
Ông YongJin Kim, Giám đốc điều hành Viện Công nghệ và Công nghiệp môi trường Hàn Quốc (KEITI) cho biết, năm 1992, Bộ Môi trường của nước này đã ban hành quy định liên quan đến áp dụng cơ chế eco - label (nhãn sinh thái) đối với các sản phẩm. Năm 1994, quy định về phát triển và hỗ trợ công nghệ môi trường tiếp tục được ban hành. Đây được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc vận hành chương trình nhãn sinh thái theo hướng rõ ràng hơn, cụ thể hơn nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm xanh.
Thúc đẩy mạnh mẽ MSCX, đến năm 2005, Luật Mua sắm xanh của Hàn Quốc đã được ban hành. Luật quy định các cơ quan quản lý nhà nước có nghĩa vụ thực hiện mua sắm sản phẩm xanh, từ khâu lập kế hoạch mua sắm đến triển khai thực hiện. Luật ghi rõ căn cứ để thành lập Viện Phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường - cơ quan tiền thân của KEITI ngày nay với vai trò chuyên trách vận hành MSCX tại Hàn Quốc.
Cũng theo Luật, Bộ Môi trường lập kế hoạch thực hiện 5 năm nhằm thúc đẩy MSCX của khối nhà nước và tư nhân. Kế hoạch lần 1 được xây dựng năm 2006 đã lấy mục tiêu là ổn định MSCX. Kế hoạch lần 2 lập năm 2011 đã áp dụng cơ chế nhằm đẩy mạnh tiêu dùng thân thiện môi trường đối với đối tượng là người tiêu dùng thông thường. Kế hoạch lần 3 hiện đang lấy mục tiêu là đa dạng hóa sản phẩm xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
Đến năm 2016, ngân sách MSCX của Hàn Quốc đã tăng 3,5 lần so với năm 2005, đạt 2,8 tỷ USD và số lượng sản phẩm đạt chứng nhận nhãn sinh thái tăng gấp 6 lần với khoảng 16.000 sản phẩm, giảm được khoảng 560.000 tấn khí gây hiệu ứng nhà kính…
Quy trình rõ ràng, cơ chế giám sát chặt chẽ
Chuyên gia của KEITI chia sẻ, hệ thống pháp luật về MSCX của Hàn Quốc đưa ra những quy định rõ ràng về quy trình mua sắm xanh với 3 loại đối tượng mua sắm hàng hóa.
Đối với trường hợp là vật phẩm, khi cơ quan nhà nước có nhu cầu mua sắm thực hiện kiểm tra xem sản phẩm cần mua có thuộc nhóm đối tượng bắt buộc mua hay không. Nếu bắt buộc thì phải kiểm tra xem có thể mua được sản phẩm thân thiện môi trường hay không.
Trường hợp là dịch vụ công hoặc công trình, cơ quan mua sắm phải phán đoán xem có thể sử dụng sản phẩm xanh khi thực hiện dịch vụ hoặc công trình hay không. Yêu cầu này được xem như là một điều kiện hợp đồng đặc biệt trong thông báo mời thầu hoặc đưa vào trong sơ đồ thiết kế công trình để bên cung cấp dịch vụ hoặc công ty thi công có thể mua sản phẩm thân thiện môi trường.
Với trường hợp là mua sắm vật dụng, đơn vị mua sắm có thể mua trực tuyến một cách dễ dàng tại các khu mua sắm chuyên bán sản phẩm thân thiện môi trường mà có website liên kết với hệ thống đấu thầu tự động của Cục Đấu thầu.
Nhằm triển khai hiệu quả MSCX, Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống hợp tác chặt chẽ giữa 3 cơ quan: Bộ Môi trường, Bộ Hành chính tự trị và Bộ Kế hoạch và Tài chính. Trong đó, Bộ Môi trường và KEITI là đơn vị điều hành chung, phụ trách công việc về lựa chọn sản phẩm, thống kê kết quả mua sắm và công việc liên quan đến thúc đẩy mua sắm. Cục Đấu thầu hỗ trợ việc MSCX được thực hiện một cách thuận lợi thông qua hệ thống đấu thầu từ Trung ương. Kết quả MSCX cũng được thống kê, tập hợp một cách tự động thông qua hệ thống điện tử của Cục Đấu thầu.
Song song với đó, hệ thống pháp luật về MSCX nước này cũng quy định chặt chẽ việc theo dõi, giám sát thực hiện MSCX. Bộ Hành chính tự trị và Bộ Kế hoạch và Tài chính căn cứ theo luật để đánh giá công việc của các đơn vị trực thuộc, đồng thời sử dụng đánh giá kết quả MSCX của Bộ Môi trường để thực hiện đánh giá đơn vị.