Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bổ sung 4 hạng mục lớn, sẵn sàng đáp ứng Thông tư mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau hai năm vận hành chính thức tại địa chỉ https://muasamcong.mpi.gov.vn, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống e-GP) tiếp tục triển khai nhiều hạng mục mới từ ngày 01/12/2024. Những bổ sung mới này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống mà còn đáp ứng các quy định tại Thông tư số 22/2024/TT-BKHĐT, hướng tới mục tiêu số hóa toàn diện quy trình đấu thầu tại Việt Nam.
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống eGP) hoàn thành bổ sung 4 hạng mục lớn
Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống eGP) hoàn thành bổ sung 4 hạng mục lớn

Nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, hệ thống e-GP đã bổ sung và triển khai thành công 4 hạng mục chính. Lần đầu tiên, quy trình bảo lãnh điện tử được phát triển nhằm cung cấp cho người dùng (NSD) một giải pháp tiện lợi, tiết kiệm bên cạnh quy trình bảo lãnh truyền thống, hướng tới mục tiêu thay thế hoàn toàn hình thức cũ này. Nhà thầu giờ đây có thể dễ dàng thực hiện bảo lãnh trực tuyến ngay trên hệ thống e-GP chính thức áp dụng từ ngày 05/12/2024, từ việc lập đề nghị bảo lãnh tới việc lựa chọn bảo lãnh điện tử đã được phát hành cho các gói thầu tham dự mà không cần đến ngân hàng để thực hiện bảo lãnh giấy, từ đó giúp hạn chế nguy cơ thất lạc tài liệu. Quy trình này được thiết kế với mức độ bảo mật cao, cho phép các bên dễ dàng lưu trữ và truy xuất thông tin bảo lãnh một cách minh bạch, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về pháp lý.

Hạng mục thứ hai là tính năng chào giá trực tuyến dành cho các gói thầu hàng hóa và phi tư vấn theo hình thức lựa chọn nhà thầu là chào giá trực tuyến rút gọn. Đây là lần đầu tiên quy trình đấu thầu này được triển khai tại Việt Nam. Theo đó, Bên mời thầu có thể tạo thông báo mời thầu theo quy trình rút gọn và quy định mức giá trần và bước giá từ đó nhà thầu có thể thay đổi mức giá liên tục trong thời gian diễn ra phiên chào giá. Hệ thống e-GP sẽ tự động xếp hạng các nhà thầu dựa trên mức giá cuối cùng, từ đó công bố kết quả một cách minh bạch và nhanh chóng. Tính năng này không chỉ tăng tính cạnh tranh mà còn giúp giảm chi phí, thời gian đấu thầu và mang lại lợi ích lớn về kinh tế cho các bên tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, hệ thống e-GP đã nâng cấp quy trình phê duyệt trực tuyến đối với các loại hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm và thông báo mời thầu (theo quy trình rút gọn) kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, từ ngày 01/12/2024, hệ thống bổ sung các quy trình phê duyệt qua mạng đối với E-HSQT, E-HSMST, E-HSMT và E-TBMT(quy trình rút gọn), Kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống. Toàn bộ quy trình từ lập hồ sơ, thẩm định đến phê duyệt và công bố kết quả đều được số hóa hoàn toàn. Nhờ đó, thời gian xử lý được rút ngắn đáng kể, trong khi tính chính xác và minh bạch của quy trình được đảm bảo. Chủ đầu tư, bên mời thầu đều có thể thao tác và ký số trực tiếp trên nền tảng Hệ thống e-GP, các vai trò như tổ chuyên gia, tổ thẩm định tham gia trực tiếp, lập hồ sơ và đính kèm hồ sơ trên hệ thống, với phát triển trên giúp người sử dụng giảm thiểu tối đa lỗi nhập liệu và thay thế hoàn toàn việc in ấn, trình ký giấy tờ truyền thống hiện nay.

Cuối cùng, hạng mục phê duyệt gói thầu không qua mạng cũng được triển khai nhằm đảm bảo sự đồng nhất trong quản lý. Đối với các gói thầu không áp dụng đấu thầu trực tuyến, từ 01/12/2024, hệ thống hỗ trợ số hóa đối với các quy trình phê duyệt Hồ sơ mời sơ tuyển, Hồ sơ mời quan tâm, Hồ sơ mời thầu, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu lỗi nhập liệu.

Theo đó, các đơn vị cần đặc biệt lưu ý, các quy trình phê duyệt qua mạng này sẽ được áp dụng cho các gói thầu đăng tải e-TBMT (đối với gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng) và TBMT (đối với gói thầu không qua mạng) từ ngày 01/12/2024 trên hệ thống e-GP. Đối với các gói thầu đã đăng tải e-TBMT/ TBMT trước thời điểm này, các đơn vị tiếp tục áp dụng quy trình phê duyệt như cũ, đính kèm file quyết định lên hệ thống mà không áp dụng quy trình phê duyệt qua mạng.

Kể từ khi đi vào hoạt động, Hệ thống e-GP đã khẳng định là nền tảng trung tâm trong việc minh bạch hóa và hiện đại hóa các quy trình đấu thầu tại Việt Nam. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Hệ thống e-GP mới đã đưa công cuộc đấu thầu qua mạng ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Kết quả thể hiện rõ ở tỷ lệ số lượng gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước (không tính gói thầu EPC) thực hiện đấu thầu qua mạng đến tháng 8/2024 đạt 100%, tỷ lệ giá trị gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng đạt 98,517% và tổng giá trị gói thầu được đấu thầu qua mạng 8 tháng đầu năm 2024 đạt 541.804 tỷ đồng với 283.357 gói thầu. Số lượng người dùng mới liên tục tăng mạnh theo thời gian, số lượng trung bình nhà thầu tham dự tại mỗi gói thầu cũng tăng đáng kể.

Các hạng mục mới trên Hệ thống e-GP đã tiếp tục đánh dấu một bước tiến lớn trong lộ trình hiện đại hóa và số hóa hoạt động đấu thầu tại Việt Nam, là minh chứng rõ ràng cho sự quyết tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đưa công nghệ vào cải tiến quy trình mua sắm công. Đây không chỉ là giải pháp công nghệ, mà còn là nền tảng thúc đẩy sự minh bạch, công bằng và hiệu quả trong quản lý mua sắm công. Với những lợi ích mà e-GP mang lại, nền kinh tế số Việt Nam sẽ có thêm động lực phát triển, tạo tiền đề cho sự hội nhập và phát triển bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục