Hiện đại hóa hạ tầng giao thông: Thuận lợi từ bước khởi đầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, không chỉ các gói thầu quy mô nhỏ, đơn giản mà hàng loạt gói thầu lớn, quy mô hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của ngành giao thông vận tải đã được đấu thầu qua mạng (ĐTQM) thành công, thu hút số lượng lớn nhà thầu tham gia, tiết kiệm không nhỏ cho ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay, 100% các gói thầu duy tu, bảo dưỡng đường bộ được đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên
Hiện nay, 100% các gói thầu duy tu, bảo dưỡng đường bộ được đấu thầu qua mạng. Ảnh: Lê Tiên

Thống kê từ đầu năm 2024 trở lại đây, hàng loạt gói thầu nghìn tỷ ngành giao thông vận tải đã được ĐTQM thành công như: Gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm khảo sát và lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán) của Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (giá gói thầu 2.475 tỷ đồng); Gói thầu XL-01 Thi công xây lắp (bao gồm khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công) hạng mục nền, mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn từ Km19+000 - Km40+750 thuộc Dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn Km19+00 - Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (giá gói thầu 1.819 tỷ đồng); Gói thầu số 28 Lập thiết kế bản vẽ thi công, bao gồm cả lập ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và thi công toàn bộ công trình giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật và mua sắm, lắp đặt thiết bị công trình (không bao gồm phần di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội (giá gói thầu 1.678 tỷ đồng); Gói thầu số 16 Phần xây dựng, thiết bị (mới 100%) và một số công việc khác phục vụ thi công xây dựng hạng mục đường song hành, đoạn thuộc địa phận Quế Võ và TP. Bắc Ninh (giá gói thầu 1.192 tỷ đồng)…

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Trọng Hùng - Giám đốc Ban Đấu thầu thuộc Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, nhờ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (e-GP) liên tục được cải thiện và nâng cấp nhiều tính năng nên quá trình ĐTQM các gói thầu lớn của VEC được thực hiện khá thuận lợi. Các vướng mắc trước đây về tiêu chí đánh giá, tải dung lượng lớn các file thiết kế, bản vẽ thi công của các công trình giao thông… được giải quyết triệt để. Từ đầu năm 2024 đến nay, VEC đã ĐTQM 36 gói thầu và tất cả tài liệu phức tạp đều được chuyển tải thành công trên e-GP. Nhờ e-GP, công tác đấu thầu của VEC trở nên chuyên nghiệp hơn.

Ông Bùi Quang Thái - Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện nay, 100% các gói thầu duy tu, bảo dưỡng đường bộ được tổ chức ĐTQM. Nhờ đó, công tác lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch hơn, không để lọt những nhà thầu năng lực yếu kém tham gia vào công tác bảo trì đường bộ.

Để hiện đại hóa công tác bảo trì đường bộ, cần các máy móc và công nghệ hiện đại, điều này đòi hỏi sự đầu tư của những nhà thầu lớn. Tuy nhiên, các nhà thầu lớn ít tham gia những gói bảo trì, bảo dưỡng đường bộ quy mô nhỏ, giá trị thấp. Ông Thái cho hay, Cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu gom các gói thầu tương tự, có vị trí địa lý gần nhau để có quy mô hợp lý và thực hiện ĐTQM, có thể mời gọi tối đa các nhà thầu lớn tham gia vào công tác bảo trì đường bộ nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho các gói thầu, lựa chọn được nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm tốt, có công nghệ hiện đại thực hiện các gói thầu bảo dưỡng, bảo trì đường bộ.

Thực tế cho thấy, nhờ ĐTQM, rất nhiều gói thầu giao thông lớn đã thu hút được đông đảo nhà thầu tham gia, tăng tính cạnh tranh và tăng tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu. Chẳng hạn, tại Gói thầu XL Thi công xây dựng công trình toàn tuyến thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mời thầu, giá trúng thầu của Liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Công trình giao thông Sài Gòn là 608 tỷ đồng (giá dự toán là 700 tỷ đồng, giảm giá 13,2%). Với Gói thầu XL2 Thi công xây dựng đoạn Km257+853,58 - Km275+700 thuộc Dự án Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - ngã ba Trung Sơn do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh mời thầu, giá trúng thầu của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là 429 tỷ đồng (giá dự toán 573 tỷ đồng, giảm 25%)…

Đại diện Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chia sẻ, hiện nay, công tác ĐTQM khá thuận tiện, các form, mẫu trên e-GP giúp các bên mời thầu công khai toàn bộ thông tin mời. Các quy định trên webform cũng có “độ mở” nhất định để chủ đầu tư/bên mời thầu có thể điều chỉnh cho phù hợp trong một số tình huống. Trung bình mỗi năm Ban có khoảng 50 gói thầu và đều được ĐTQM (trừ một số gói thầu sử dụng vốn ODA phải thực hiện quy trình đấu thầu theo yêu cầu của nhà tài trợ). “Bí quyết” để thu hút nhà thầu là xây dựng hồ sơ chuẩn mực, theo đúng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu làm rõ hồ sơ mời thầu…

Theo cán bộ đấu thầu của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều gói thầu lớn của Ban được tổ chức ĐTQM thành công, tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu ấn tượng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ thường xuyên có văn bản hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện ĐTQM tối đa (quá trình ĐTQM thường nhanh gọn hơn đấu thầu theo phương thức truyền thống). Trong quá trình ĐTQM, với các gói thầu/dự án có quy mô lớn, phức tạp, Vụ Kế hoạch - Đầu tư đều phối hợp tham vấn ý kiến chuyên môn của Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có giải pháp xử lý tình huống phát sinh để sớm hoàn tất quá trình lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Cũng theo vị đại diện này, hiện nay, khung pháp lý về ĐTQM đã hoàn thiện nên việc thực hiện công tác đấu thầu rất thuận lợi. Bộ Giao thông vận tải sẽ tăng cường đào tạo đội ngũ tham gia ĐTQM chuyên nghiệp hơn, có năng lực và tinh nhuệ hơn để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tiến độ của các gói thầu lớn, phức tạp, tăng tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, tiếp tục là “điểm sáng” về giải ngân đầu tư công.

Tin cùng chuyên mục