Khi hoàn thành công trình, đường địa phương và các công trình hạ tầng khác mà nhà thầu sử dụng phục vụ thi công phải được dọn dẹp, hoàn trả lại tình trạng ban đầu |
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, hầu hết hợp đồng xây lắp đều có điều khoản nhà thầu phải chịu toàn bộ chi phí và lệ phí cho các quyền về đường đi lại chuyên dùng hoặc tạm thời mà nhà thầu mượn/tạm dùng để phục vụ thi công, bao gồm lối vào công trường. Chủ đầu tư không chịu trách nhiệm về bất cứ khiếu nại nào có thể phát sinh từ việc sử dụng hoặc các việc liên quan khác đối với các tuyến đường công vụ. Như vậy, việc hoàn trả đường cho địa phương là trách nhiệm của nhà thầu. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu không có hạng mục hoàn trả, trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cũng không có nội dung này. Vì thế, khi xây dựng hồ sơ dự thầu, nhà thầu không có cơ sở lập chi phí hoàn trả đường địa phương. Khi thương thảo hợp đồng, nhà thầu đề cập đến nội dung này thì chủ đầu tư thường không chấp thuận.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo quy định pháp luật, việc hoàn trả đường địa phương sau khi thi công thuộc về trách nhiệm của nhà thầu, dựa vào sự thỏa thuận giữa nhà thầu với địa phương trong quá trình xây dựng.
Theo tìm hiểu, các dự án đầu tư công đều có quy định về việc sử dụng và hoàn trả hạ tầng bị ảnh hưởng do thi công. Theo đó, nhà thầu phải đệ trình cho tư vấn giám sát kế hoạch sử dụng hệ thống hạ tầng trong khu vực thi công, bao gồm cả hệ thống đường và các hạ tầng khác để phục vụ thi công. Trong hồ sơ trình duyệt phải có các giấy tờ chứng minh, biên bản thỏa thuận thống nhất với chủ sở hữu công trình hạ tầng và các cơ quan liên quan về việc cho phép sử dụng công trình hạ tầng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đệ trình của nhà thầu, tư vấn giám sát phải tiến hành kiểm tra, khảo sát hiện trường, chụp ảnh và lưu trữ lại toàn bộ hiện trạng hệ thống hạ tầng mà nhà thầu đề xuất sử dụng. Khi hoàn thành thi công và trước khi yêu cầu cấp Chứng nhận nghiệm thu, đường địa phương và công trình hạ tầng khác mà nhà thầu sử dụng phục vụ thi công phải được dọn dẹp sạch sẽ, và được hoàn trả lại như ban đầu (kể cả việc sửa chữa các công trình). Các công việc liên quan đến hoàn trả đường phục vụ thi công không được đo đạc và thanh toán riêng.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, một nhà thầu ở Hà Nội cho biết, do khối lượng công việc liên quan đến hoàn trả, sửa chữa đường mượn sau thi công không được thanh toán riêng, nên nhà thầu thường “vận dụng” phần chi phí dự phòng để thực hiện phần công việc này. Tuy nhiên, đối với những gói thầu có hợp đồng trọn gói thì nhà thầu phải tự xoay xở, có lúc phải “giật gấu vá vai”, không khỏi phát sinh mâu thuẫn với bên đã cho mượn đường thi công.
Theo một chuyên gia xây dựng, do không được thanh toán riêng phần chi phí phát sinh liên quan đến việc hoàn trả nguyên trạng đường phục vụ thi công nên nhà thầu cần tính toán, phân bổ hợp lý chi phí này trong các hạng mục chào thầu hoặc các hạng mục có liên quan để giảm bớt rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia về đấu thầu - TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, trước khi ký kết hợp đồng, nhà thầu cần đưa các điều khoản về chi phí hoàn trả nguyên trạng đường phục vụ thi công vào trong hợp đồng, thương thảo và thỏa thuận với chủ đầu tư về chi phí, trách nhiệm hoàn trả để không bị thiệt trong quá trình triển khai. Nếu thương lượng và đàm phán được với chủ đầu tư thì nhà thầu phối hợp với địa phương rà soát, xác nhận tình trạng hư hỏng đường địa phương sử dụng làm đường công vụ; xác định trách nhiệm sửa chữa hoàn trả và nguồn kinh phí này vẫn có cơ sở để được thanh quyết toán bình thường.