Vật liệu xây dựng là một trong những lĩnh vực hấp dẫn giới đầu tư. Ảnh: Diễm Hương |
Dự báo thương vụ lớn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng
Theo thông tin mới nhất được LafargeHolcim công bố, liên doanh này đã ký được thỏa thuận ban đầu với Tập đoàn Thái Lan Siam Cement City Public Company Limited (SCCC) trong thương vụ bán toàn bộ 65% cổ phần tại Holcim Việt Nam, với tổng giá trị tài sản được ước tính vào khoảng 867 triệu Franc Thụy Sỹ.
Được thành lập từ năm 1994, LafargeHolcim Việt Nam hoạt động khá thành công tại thị trường Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, chủ yếu là xi măng, bê tông và các loại cốt liệu xây dựng. Hiện nay, liên doanh này có 35% cổ phần nằm trong tay Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem). Thương vụ này dự kiến sẽ được thông qua Vicem vào quý 4 năm nay để hoàn tất việc chuyển cổ phần do LafargeHolcim nắm giữ tại Holcim Vietnam sang đối tác mới.
Một điểm đáng lưu ý là Vicem, với 35% cổ phiếu đang nắm trong tay, vẫn có quyền quyết định đầu tiên việc mua lại toàn bộ 65% cổ phần này trong liên doanh trước SCCC. Mặc dù vậy, nhiều dự đoán nghiêng về khả năng 65% cổ phần sẽ được bán lại cho SCCC như thỏa thuận vừa đạt được. Với việc ký kết thỏa thuận này, đây được dự báo là thương vụ ấn tượng trên thị trường M&A vật liệu xây dựng Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
Thị trường M&A sẽ đạt 6 tỷ USD năm 2016
Trên thực tế, không phải chờ tới thương vụ đình đám này, hoạt động M&A tại Việt Nam gần đây đã trở nên thực sự sôi động với sự trở lại của dấu mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, chỉ tính riêng nửa đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mức 3 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ 2015. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A có chất lượng với quy mô vốn lớn từ vài chục triệu USD đến hàng trăm triệu USD, đặc biệt các thương vụ tỷ USD đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Dự báo, tổng giá trị giao dịch các thương vụ M&A thành công trong năm nay sẽ vượt con số 6 tỷ USD và tiếp tục gia tăng trong các năm tới, khi hàng loạt các hiệp định thương mại lớn được ký kết và triển khai như TPP, FTA Việt Nam - EU… Các lĩnh vực dự báo sẽ dẫn đầu trong hoạt động M&A là năng lượng, ngân hàng, hạ tầng, khách sạn - văn phòng, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các DN tư nhân kinh doanh hiệu quả trong ngành thực phẩm, bán lẻ, đồ uống và các dự án bất động sản ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội cũng sẽ có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới đầu tư.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thị trường M&A phát triển lành mạnh sẽ trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả, bổ sung nguồn vốn lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, nó còn giúp đẩy mạnh tái cấu trúc DN thông qua việc thay đổi phương thức quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị của nhiều DN, nhờ đó sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DNNN vốn đang chưa thực chất.
Để thúc đẩy hoạt động này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, cần xoá bỏ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động M&A phát triển. Đồng thời, tiến trình cổ phần hóa DNNN cần được đẩy mạnh một cách hiệu quả hơn, cùng với việc minh bạch hóa thông tin, nâng cao tính chính xác của công tác báo cáo tài chính kiểm toán để có thể đưa ra thị trường những hàng hóa có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.