Gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành được mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8/2023 |
Trong mối quan tâm ấy, kỳ vọng trúng thầu khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn (VCG, CC1, PHC và HAN) có tên trong Liên danh Vietur bật tăng trần từ phiên đầu tháng 8, tiếp nối chuỗi tăng giá mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu ngành xây dựng từ tháng 5/2023 đến nay.
Chứng khoán phản ứng sớm
Ngày 1/8/2023, truyền thông loan tin Vietur là liên danh duy nhất vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật tại Gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành”. Giá cổ phiếu cả 4 mã (VCG, CC1, PHC và HAN) đại diện cho 4 doanh nghiệp có tên trong Liên doanh Vietur bật tăng trần đồng loạt. Đà tăng tiếp tục diễn biến tích cực trong các phiên sau đó, được hỗ trợ bởi kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như các phân tích, nhận định từ một số công ty chứng khoán.
Liên danh Vietur gồm 10 thành viên (Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại xây dựng IC Ictas - nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ - đứng đầu liên danh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, TCT Xây dựng số 1 (CC1, sàn UPCoM), CTCP Kết cấu ATAD, Tổng CTCP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (VCG, sàn HOSE), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC, sàn HOSE), CTCP Hawee Cơ điện và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (HAN, sàn UPCoM)). Trong báo cáo ngày 3/8/2023 Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nếu Vietur được lựa chọn, các doanh nghiệp xây lắp tham gia Gói thầu có cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh giai đoạn 2023 - 2026.
Dù phải chờ đợi vòng đánh giá năng lực tài chính, nhưng VNDirect nhận định, Vietur có khả năng rất lớn giành được gói thầu này vì 2 lý do. Thứ nhất, trong phiên họp của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 13/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu Gói thầu Nhà ga hành khách tại sân bay Long Thành để khởi công trong tháng 8/2023.
Thứ hai, xét trên một số điều kiện về năng lực tài chính, Gói thầu yêu cầu nguồn vốn đối ứng của nhà thầu tham gia là 3.224 tỷ đồng; nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương, doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng. “Các tiêu chí này đều không phải trở ngại quá lớn đối với liên danh Vietur”, công ty chứng khoán đánh giá.
Cũng liên quan đến việc triển khai, về phía địa phương, UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết, tính đến cuối tháng 7/2023, công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành 100% (2.532 ha) và bàn giao cho các đơn vị liên quan. Cùng với đó, tháng 7/2023, gói thầu 6.12 - xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành đã tìm được nhà thầu thi công. Theo đó, liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả - TCT Thăng Long - CTCP Đầu tư xây dựng Hạ tầng Khang Nguyên - CTCP Thương mại và Xây dựng Hoàng Long - CTCP Xây lắp 368 - CTCP Tư vấn xây dựng Hoàng Long là đơn vị trúng thầu, với giá trị 2.630 tỷ đồng. Trong liên danh này, Tập đoàn Đèo Cả (mã cổ phiếu HHV) được kỳ vọng đảm nhiệm phần thi công chính. Hưởng lợi từ diễn tiến đẩy mạnh đầu tư công trong 2 năm gần đây, Đèo Cả vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2023 lên tới 192 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HHV tăng tốt kể từ tháng 5/2023, với mức tăng 33%.
Một số gói thầu VCG, CC1, HHV, PHC trúng thầu TRONG 7 tháng đầu năm 2023. (Nguồn: VNDirect) |
Khởi sắc cùng các gói thầu
Bên cạnh việc tham gia đấu thầu Gói thầu 5.10 nói trên, 7 tháng đầu năm nay, 4 doanh nghiệp trên sàn đang tham gia Liên danh Vietur cũng trúng nhiều gói thầu quy mô lớn. Việc trúng thầu là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tạo ra việc làm, tạo doanh thu và lợi nhuận (nếu có) để tiếp tục xây dựng uy tín và chia sẻ lợi ích cho cổ đông.
Liên quan đến năng lực các thành viên Vietur, tại VCG, năm 2022, Tổng công ty vẫn đạt 9.597 tỷ đồng doanh thu, 931 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt bằng 153% và 179% so với thực hiện năm 2021, Tổng công ty dự kiến năm 2023 sẽ tăng doanh thu 170%, đạt mức đạt 16.340 tỷ đồng và lợi nhuận sẽ đạt 860 tỷ đồng. Chia sẻ với cổ đông mới đây, Chủ tịch VCG Đào Ngọc Thanh cho biết, năm 2023, VCG tròn 35 năm hoạt động, Tổng công ty sẽ tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột chính, gồm xây dựng - bất động sản - đầu tư tài chính. “Đây cũng được coi là năm bản lề cho việc triển khai kế hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng Vinaconex trở thành một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam và vươn tầm khu vực”, ông nói. Tại thời điểm 30/6/2023, Báo cáo tài chính hợp nhất của VCG ghi nhận khoản tiền và tương đương tiền là 1.273 tỷ đồng. Trên sàn chứng khoán, VCG ghi nhận mức tăng trên 60% kể từ tháng 5/2023 đến nay.
Với HAN, Công ty có 174 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền cuối tháng 6/2023. Tuy hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm nay có lãi rất thấp (478 triệu đồng), nhưng kỳ vọng việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho nhà thầu nói chung, trong đó có HAN.
Ngày 1/8/2023, truyền thông loan tin Vietur là liên danh duy nhất vượt qua vòng đánh giá kỹ thuật tại Gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành”. Giá cổ phiếu cả 4 mã (VCG, CC1, PHC và HAN) đại diện cho 4 doanh nghiệp có tên trong Liên doanh Vietur bật tăng trần đồng loạt.
Với CC1, năm 2022, Công ty đạt 6.436 tỷ đồng doanh thu, trong đó doanh thu hoạt động xây lắp của CC1 là 3.759 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước đó. Kiên định chọn xây dựng là mảng kinh doanh truyền thống, CC1 đạt 232 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm này.
Chia sẻ với các cổ đông, ông Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch CC1 cho biết, giai đoạn vừa qua, CC1 cùng các đối tác trong liên danh trúng thầu 2 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 gồm đoạn Cần Thơ - Hậu Giang với giá trị hơn 7.555 tỷ đồng và đoạn Vân Phong - Chí Thạnh với giá trị là 7.823 tỷ đồng, ghi cột mốc tăng trưởng của CC1 trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và các thủ tục cấp phép còn nhiều bất cập. Ông Huấn cho rằng, ngành xây dựng có triển vọng khởi sắc khi mảng kết cấu hạ tầng được đánh giá khả quan với động lực đến từ giải ngân đầu tư công tăng mạnh. “Mục tiêu năm 2023 của CC1 là tập trung mọi nguồn lực để tham gia vào lĩnh vực giao thông - hạ tầng kỹ thuật và các dự án đầu tư công khác”, ông nói. Tại thời điểm 30/6/2023, Báo cáo tài chính CC1 ghi nhận Công ty có 878 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trên sàn UPCoM, cổ phiếu CC1 tiếp tục cuộc hành trình tăng giá, với mức tăng trên 100% kể từ tháng 5/2023 đến nay.
Nếu Vietur trúng thầu, các thành viên nói chung và 4 DN trên sàn nói riêng (VCG, CC1, PHC và HAN) trong liên danh sẽ có thêm cơ hội khẳng định giá trị. Tuy nhiên, mọi việc vẫn phải chờ đợi đến phút chót, bởi và việc lựa chọn bên trúng thầu sẽ chỉ suôn sẻ nếu Vietur vượt qua vòng đánh giá tài chính và các đối thủ cũng như các bên liên quan “tâm phục, khẩu phục” với sự lựa chọn của Chủ đầu tư.