Do Việt Nam là nước đang phát triển nên Hiệp định CPTPP cho phép Việt Nam áp dụng một số biện pháp ưu đãi trong khoảng thời gian 25 năm |
Nghị định quy định rõ việc công khai thông tin trên Báo Đấu thầu và những quy định mới có thể tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhà thầu trong nước trong bối cảnh hàng hóa, nhà thầu Việt Nam chưa thật sự đủ mạnh để cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
Minh bạch thông tin
Theo Khoản 2, Điều 9 NĐ95 Thông tin về đấu thầu và trách nhiệm đăng tải thông tin: “Báo Đấu thầu có trách nhiệm trích xuất thông tin về thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, thông báo mời thầu, danh sách ngắn quy định tại các điểm b, c và d Khoản 1 Điều này để đăng tải 1 kỳ trên Báo Đấu thầu trong vòng 2 ngày làm việc, kể từ ngày thông tin được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Các thông tin quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 9 bao gồm: kế hoạch lựa chọn nhà thầu; thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu; danh sách ngắn; kết quả lựa chọn nhà thầu; văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; thông tin xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu; cơ sở dữ liệu về nhà thầu; thông tin khác có liên quan.
TS. Nguyễn Việt Hùng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, quy định về việc công bố thông tin nói trên cho thấy vai trò, trách nhiệm và uy tín của Báo Đấu thầu đang ngày càng được khẳng định, không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn là kênh chính thống để công khai, minh bạch thông tin đấu thầu trong nội khối CPTPP. Theo đó, phạm vi hoạt động của Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục được mở rộng, từ việc chủ yếu phục vụ các nhà thầu trong nước sẽ sang phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tiếp cận thị trường mua sắm Việt Nam của các nhà thầu quốc tế trong nội khối CPTPP. Để đáp ứng yêu cầu mới, Báo Đấu thầu cần nghiên cứu, nâng cấp hệ thống dữ liệu, tăng cường chất lượng phục vụ việc công khai, minh bạch thông tin cho các nhà thầu trong nước và quốc tế một cách kịp thời, thuận tiện. Đồng thời, cần mở rộng việc công khai thông tin những gói thầu, dự án thuộc phạm vi của Hiệp định CPTPP để tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước tiếp cận thị trường mua sắm của các đối tác trong Hiệp định CPTPP.
Thuận lợi hóa cho hàng hóa, nhà thầu trong nước
Ngoài việc đảm bảo tư tưởng xuyên suốt là không đi ngược lại các cam kết của Hiệp định CPTPP, NĐ95 còn cố gắng tận dụng tối đa những ngoại lệ được dành riêng cho Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho hàng hóa, nhà thầu trong nước trong bối cảnh hàng hóa, nhà thầu Việt Nam chưa thật sự đủ mạnh để cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
Nghị định 95/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 24/8/2020 gồm 11 Chương, 103 điều và 7 phụ lục, trong đó quy định cụ thể về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu; kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, xét duyệt trúng thầu; quy trình đấu thầu rộng rãi và chỉ định thầu phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, NĐ95 cũng dành 2 chương để quy định chi tiết về hợp đồng và hướng dẫn xử lý tình huống; xử lý vi phạm, giải quyết kiến nghị và tranh chấp trong đấu thầu đối với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định.
Ví dụ, theo nguyên tắc chung của Hiệp định CPTPP thì các nước thành viên không được áp dụng bất kỳ quy định nào về ưu đãi trong nước khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước đang phát triển nên Hiệp định cho phép ta áp dụng một số biện pháp ưu đãi trong khoảng thời gian 25 năm, tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị hợp đồng của các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh. Sau ngày 14/1/2044, những biện pháp ưu đãi này sẽ không được sử dụng nữa.
Để cụ thể hóa lợi ích này dành cho Việt Nam, NĐ95 có một số điều khoản quy định cụ thể về thời hạn áp dụng, tỷ lệ phần trăm các gói thầu và một số biện pháp ưu đãi trong nước mà chủ đầu tư, bên mời thầu trong nước có thể chủ động xem xét áp dụng trong thời gian chuyển đổi. Lợi ích đạt được là thúc đẩy hàng hóa và nhà thầu trong nước trong bối cảnh hội nhập, cũng là thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về “Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Đối với những gói thầu áp dụng biện pháp ưu đãi trong nước, chủ đầu tư, bên mời thầu có thể tìm thấy trong NĐ95 các quy định cụ thể về cách tính ưu đãi cho nhà thầu, hàng hóa trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối.
Một trong những khác biệt đáng chú ý của pháp luật trong nước với cam kết về đấu thầu trong Hiệp định CPTPP đã được phản ánh trong NĐ95 liên quan đến hình thức lựa chọn nhà thầu. NĐ95 quy định chỉ có 2 hình thức là đấu thầu rộng rãi (có hoặc không áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn) và chỉ định thầu. Trong khi đấu thầu rộng rãi là hình thức cơ bản, áp dụng phổ biến thì chỉ định thầu chỉ được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể (ví dụ: chỉ có một hoặc một số nhà thầu đáp ứng, các trường hợp liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ...). NĐ95 không quy định hạn mức gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu.