Huy động vốn qua trái phiếu phát hành riêng lẻ giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 9 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt 244.191 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 233.692 tỷ đồng, giảm 40%. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ra đời với nhiều quy định tăng tính công khai, minh bạch của các đợt phát hành và tăng mức độ bảo vệ các nhà đầu tư được dự báo sẽ làm giảm lượng cầu trái phiếu phát hành riêng lẻ trong thời gian tới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo thống kê phát hành trái phiếu trong tháng 9/2022 của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu phát hành đạt 15.598,4 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 25 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 15.363 tỷ đồng, giảm 77,3% so với cùng kỳ 2021 và chỉ có 1 đợt phát hành ra công chúng.

Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9,623 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam phát hành nhiều nhất (3.090 tỷ đồng); tiếp đó là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (2.000 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (1.800 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (750 tỷ đồng). Nhóm Bất động sản đứng thứ hai với Công ty CP Nova Thảo Điền phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu hành đạt 244.191 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37%; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40%.

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (Nguồn: VBMA, đơn vị: tỷ đồng)

Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành (Nguồn: VBMA, đơn vị: tỷ đồng)

Sự kiện Tân Hoàng Minh đã gián tiếp khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp “hạ nhiệt” trong tháng 4/2022, đặc biệt không có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng này. Bước sang các tháng tiếp theo, dữ liệu của VBMA ghi nhận sự phát hành trở lại của một số ít doanh nghiệp.

Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp tình hình tài chính yếu nhưng vẫn phát hành trái phiếu với lãi suất cao để hấp dẫn nhà đầu tư; một số tổ chức tham gia đợt phát hành chưa tuân thủ quy định…, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, nhằm tăng tính công khai, minh bạch của các đợt phát hành và tăng mức độ bảo vệ các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính, nghị định mới không tăng thêm điều kiện phát hành cho doanh nghiệp nhưng bổ sung các điều kiện, điều khoản tăng tính minh bạch. "Tôi kỳ vọng thị trường phát triển thực chất hơn để các doanh nghiệp công bố công khai thông tin minh bạch thì vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn", ông Dương cho biết.

Giới phân tích đánh giá, các tiêu chí để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp cao hơn sẽ làm giảm số lượng nhà đầu tư cá nhân, kéo trái phiếu khó tăng trưởng tốt như các năm trước. Nghị định mới được dự báo sẽ làm giảm đi lượng cầu trái phiếu trong ngắn hạn.

Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - ông Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Quy định trong Nghị định 65 phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi cho rằng, các yêu cầu đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ càng chặt chẽ càng tốt. Tôi mong muốn phát hành trái phiếu riêng lẻ ngày càng thu hẹp lại và phát triển phát hành ra công chúng - nơi huy động hiệu quả, được giám sát chặt chẽ hơn và xếp hạng tín nhiệm phát huy hiệu lực".

Ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết thêm: "Có thể nói rằng, nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm đi, nhưng với việc minh bạch thông tin, chuẩn hoá quy định phát hành và thiết lập thị trường thứ cấp, thị trường sẽ thu hút thêm bộ phận nhà đầu tư mới là nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức".

Tin cùng chuyên mục