Khan hiếm vật liệu san lấp tại Đà Nẵng: Nhà thầu đôn đáo tìm nguồn cung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đất đắp nền phục vụ các dự án khu dân cư và hạ tầng giao thông tại Đà Nẵng khan hiếm, liên tục nhảy giá khiến nhà thầu lao đao. Các nhà thầu đang đổ xô tìm kiếm nguồn cung nhưng không phải đơn vị nào cũng may mắn.
Tuyến đường ĐH02 từ Hoà Nhơn - Hoà Sơn (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đang thiếu khoảng 40.000 m3 vật liệu đắp nền . Ảnh: Minh Hạnh
Tuyến đường ĐH02 từ Hoà Nhơn - Hoà Sơn (huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) đang thiếu khoảng 40.000 m3 vật liệu đắp nền . Ảnh: Minh Hạnh

Chấp nhận mua giá cao

Dự án Khu tái định cư (phía Nam Khu tái định cư số 2 - Vệt khai thác quỹ đất dọc tuyến đường ĐT602) tại xã Hoà Khương (huyện Hòa Vang) được khởi công xây dựng ngày 7/2/2022 do Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Quang Minh - Công ty TNHH Xây dựng Đồng Khánh thực hiện. Tuy nhiên, sau khi khởi công, Nhà thầu rơi vào cảnh không có đất san nền vì đơn vị có mỏ khai thác vật liệu cung ứng cho Dự án hết hạn giấy phép khai thác, tạm dừng hoạt động và đang chờ được gia hạn.

“Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng không chấp nhận nguồn vật liệu không có giấy phép khai thác, trong khi hợp đồng thi công giữa Nhà thầu và Chủ đầu tư phải triển khai thực địa ngay… Cũng may, một tuần sau đó, đơn vị khai thác đã được gia hạn giấy phép nên Nhà thầu có thể bắt tay vào thi công hạ tầng kỹ thuật”, đại diện Nhà thầu cho hay.

Cũng tại địa bàn xã Hoà Khương, Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng thi công Dự án Khu tái định cư phục vụ người dân di dời do ảnh hưởng tuyến vành đai phía Tây Đà Nẵng. Chỉ huy trưởng công trình tại Dự án cho biết, theo hợp đồng, Dự án được thi công trong một năm, đến tháng 12/2022 phải hoàn thành để người dân vào ở. Tuy nhiên, hiện nay, phần đắp nền vẫn còn thiếu khoảng 120 nghìn m3 đất. “Chúng tôi đã liên hệ với nhiều đơn vị cung ứng nhưng đến nay vẫn chưa có vật liệu thi công”, vị chỉ huy công trình cho biết.

Vật liệu đắp nền khan hiếm nên giá được đẩy lên cao gấp 2 - 3 lần so với mức giá khi nhà thầu trúng thầu. Trong khi giá trúng thầu ở mức 38.000 - 42.000 đồng/m3 đất rời thì hiện giá đất rời được vận chuyển đến chân công trường đã ở mức 80.000 - 130.000 đồng/m3. “Nhà thầu thi công hoàn thành Dự án hoà vốn đã là may lắm rồi”, đại diện Công ty 319 Bộ Quốc phòng cho biết.

Không chỉ ở dự án khu dân cư, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của Đà Nẵng đang thi công như Vành đai 1, Vành đai 2 phía Tây, nâng cấp mở rộng tuyến ĐH02 cũng trong tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ. Để có nguồn cung vật liệu, nhà thầu phải tìm đến các mỏ ở cả Đà Nẵng, Quảng Nam và phải chịu mức giá gấp 4 lần giá vật liệu trong hợp đồng.

Điều phối đất thừa về phục vụ dự án

Theo số liệu của Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông và Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng, tổng khối lượng đất san lấp cho các công trình trong năm 2022 - 2023 là gần 1,64 triệu m3. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị được UBND Thành phố cấp giấy phép khai thác khoáng sản đất đồi làm vật liệu san lấp với tổng khối lượng chỉ chưa đầy 1 triệu m3.

Theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng, để kịp thời có nguồn vật liệu, một số công trình đã được UBND Thành phố cho phép khai thác khoáng sản ở các công trình khác để điều phối lượng đất thừa về phục vụ dự án.

Trong đó, vận chuyển đất thừa công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý làm vật liệu san lấp Dự án Khu Tái định cư phục vụ giải tỏa tuyến vành đai phía Tây tại xã Hòa Phong; vận chuyển đất đồi dư thừa tại công trình Tuyến vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) làm vật liệu san nền công trình Đường vành đai phía Tây 2; vận chuyển đất thừa trong quá trình san nền giai đoạn 1, 2 và đường số 16, 18 Khu công nghệ cao Đà Nẵng về Khu Tái định cư Tân Ninh mở rộng; vận chuyển đất thừa trong quá trình thi công Dự án Hạ tầng kỹ thuật Nhà máy xử lý rác thải tại khu vực bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) về san lấp tại công trình Khu tái định cư phía Tây Nam Khu đô thị Dragon City Park...

Ngoài ra, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng tham mưu UBND Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên cơ sở Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản (không phải qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) nếu việc khai thác khoáng sản này đáp ứng được tiêu chí quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy đinh chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản.

Hiện nay, Sở TN&MT Đà Nẵng đã khoanh 3 khu vực khoáng sản đất đồi làm vật liệu san lấp với tổng diện tích 27 ha.

Tin cùng chuyên mục