Ảnh minh họa: Internet |
Báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, Đoàn giám sát cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các văn bản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phát triển năng lượng, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh và toàn diện cho hoạt động phát triển năng lượng, phân bổ và sử dụng năng lượng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Thực hiện các chủ trương, định hướng trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thể chế hóa các yêu cầu trong các nghị quyết, kết luận thành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở tổ chức triển khai.
Theo đó, pháp luật về phát triển năng lượng đã từng bước được hoàn thiện, tạo lập hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ, từng bước điều chỉnh các phân ngành năng lượng và các nhóm quan hệ lớn trong từng phân ngành, góp phần thúc đẩy ngành năng lượng phát triển, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển năng lượng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nổi cộm là các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, nghị định còn chậm ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế so với yêu cầu của thực tế, ảnh hưởng đến quá trình phát triển năng lượng, các quan hệ mới phát sinh và việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, còn tình trạng cơ chế, chính sách chưa được định hướng lâu dài, cụ thể trong một số ngành, lĩnh vực năng lượng; cơ chế, chính sách giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa có giá điện 2 thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.
“Chưa có cơ chế đấu thầu để thu xếp vốn đầu tư cho các phân ngành năng lượng dẫn đến thiếu vốn đầu tư; chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của các chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án quan trọng…”, Đoàn giám sát nêu rõ.
Trong khi đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong giai đoạn 2023 - 2025, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng khi tại Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8,7%/năm trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030, với sản lượng điện sản xuất năm 2025 dự kiến đạt khoảng 378,3 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 567 tỷ kWh. Trong khi đó, một số dự án nhà máy điện đang chậm tiến độ so với quy hoạch; hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong phát triển kinh tế còn thấp…
Đặc biệt, về nhu cầu vốn, tổng vốn đầu tư giai đoạn tới là rất lớn với hàng trăm tỷ USD. Tuy nhiên, việc huy động vốn không dễ dàng. Về vay vốn trong nước, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, phần lớn các ngân hàng trong nước đã vượt giới hạn tín dụng đối với ngành điện theo quy định (Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên). Vì vậy, để có thể cho vay các dự án đầu tư ngành điện, các ngân hàng phải hoàn tất các thủ tục cấp tín dụng vượt giới hạn theo quy định tại Quyết định 13/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quy trình này thường kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thu xếp vốn của các dự án điện.
Với vốn vay có bảo lãnh Chính phủ, Luật Quản lý nợ công năm 2017 có những quy định hạn chế cơ hội cho các dự án nguồn điện được vay vốn của Chính phủ; trong khi vay vốn không có bảo lãnh của Chính phủ cũng còn những khó khăn nhất định.
Các quyết định giá FIT cho điện tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đã tạo ra một bước đột phá về phát triển điện mặt trời và điện gió ở Việt Nam với việc chứng minh được khả năng huy động vốn trong và ngoài nước tương đối nhanh cho năng lượng tái tạo thời gian qua, nhưng đến nay cũng đã hết hiệu lực. Trong khi đó, Việt Nam chưa xây dựng cơ chế đấu thầu, đấu giá (thay cho cơ chế giá FIT) để tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời, điện gió.
Giải bài toán đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế thời gian tới, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị cần thực hiện các giải pháp để hóa giải thách thức về an ninh năng lượng, trong đó có nhiệm vụ cần làm ngay trong giai đoạn 2024 - 2025 là khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh với việc khẩn trương xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để phát phát triển các dự án điện.
Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đấu thầu là cơ chế rất cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, việc áp dụng cơ chế đấu thầu để phát triển dự án điện tái tạo sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn cho dự án...