Khi nhà thầu bị tước cơ hội làm rõ hồ sơ dự thầu

(BĐT) - Làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT), bổ sung tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm sau thời điểm đóng thầu là một trong những quyền lợi và cơ hội của nhà thầu khi dự thầu. Tuy nhiên, cơ hội này đang bị nhiều bên mời thầu (BMT) bỏ qua, loại nhà thầu một cách không thỏa đáng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, quá trình đấu thầu Gói thầu số 01 XL Thi công toàn bộ phần xây lắp và cung cấp lắp đặt thuộc Dự án Nhà lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên làm chủ đầu tư đã phát sinh kiến nghị của nhà thầu.

Theo phụ lục danh sách nhà thầu không được lựa chọn, Công ty TNHH Xây dựng Trường An không đạt về tiêu chí năng lực và kinh nghiệm do nhân sự chủ chốt không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên, phản ánh đến Báo Đấu thầu, nhà thầu này cho biết: “Trong quá trình đánh giá HSDT, BMT hoàn toàn không yêu cầu Nhà thầu làm rõ những nội dung chưa rõ liên quan đến năng lực và kinh nghiệm, đặc biệt là nhân sự chủ chốt cũng như hợp đồng tương tự. Chính điều này khiến Trường An bị loại một cách oan ức. Quá trình lựa chọn nhà thầu đã mất cơ hội tìm được nhà thầu có giá cạnh tranh mà vẫn đáp ứng yêu cầu năng lực và kinh nghiệm”.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, một trong những tồn tại của công tác đấu thầu là BMT không yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung HSDT theo quy định.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng Đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra rất nhiều vấn đề liên quan đến làm rõ HSDT, từ đó đưa ra giải pháp chấn chỉnh.

Thực tế đang có hai bất cập xoay quanh việc làm rõ HSDT. Đầu tiên là các BMT lợi dụng việc làm rõ HSDT để làm khó nhà thầu, gây khó khăn cho nhà thầu. Kế tiếp là nhiều BMT lại làm lơ với việc làm rõ HSDT, tự ý đánh giá nhà thầu không đáp ứng về năng lực, kinh nghiệm trong khi chưa yêu cầu nhà thầu làm rõ.

Trong khi đó, theo quy định, trong quá trình đánh giá HSDT, nếu thấy nhà thầu không đạt về năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của HSMT thì BMT cần gửi văn bản yêu cầu nhà thầu làm rõ về năng lực và kinh nghiệm. “Thậm chí hiện nay, nhà thầu được phép bổ sung, thay thế hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực của mình vì điều này không làm thay đổi bản chất của nhà thầu. Đối với vấn đề nhân sự, nhà thầu chỉ được phép bổ sung, làm rõ năng lực, kinh nghiệm của nhân sự đã đề xuất… Đó là những quy định rất “mở” và theo hướng tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu dự thầu được đông đảo nhà thầu đồng thuận, nhưng các BMT lại chưa tận dụng để tăng cơ hội lựa chọn nhà thầu, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước”, một chuyên gia khẳng định.

Khảo sát cho thấy, hầu như các gói thầu “có vấn đề” trong quá trình làm rõ HSDT thường có kết quả gây bức xúc cho nhà thầu và giá trúng thầu luôn sát với giá gói thầu.

Tin cùng chuyên mục