Nhà thầu cho rằng, Bên mời thầu (BMT) đang đưa ra một số điều kiện hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có năng lực. Vậy, BMT/CĐT nói gì về vấn đề này?
HSMT đưa ra nhiều điều kiện hạn chế nhà thầu?
Ông Lưu Thế Phương – Phó Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho biết, sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu (HSMT) Gói thầu số 08-QLTS, PJICO nhận thấy BMT đưa ra nhiều điều kiện hạn chế nhà thầu tham gia, không đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng như: tiêu chí về các hợp đồng tương tự, số lượng công ty/chi nhánh; lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (BH).
Cụ thể, “bài thầu” yêu cầu về hợp đồng tương tự: có 3 hợp đồng, giá trị >= 2,3 tỷ đồng/hợp đồng và tổng giá trị 3 hợp đồng >= 6,9 tỷ đồng hoặc số lượng hợp đồng khác 3 hợp đồng, trong đó có ít nhất 1 hợp đồng có giá trị >= 2,3 tỷ đồng, tổng giá trị các hợp đồng >= 6,9 tỷ đồng. Ông Phương cho rằng có nhất thiết phải quy định mỗi hợp đồng có giá trị >= 2,3 tỷ đồng hay không, thay vì chỉ quy định tổng giá trị các hợp đồng >= 6,9 tỷ đồng?
Liên quan tới yêu cầu về số lượng công ty/chi nhánh, vẫn theo ông Phương, BMT yêu cầu: “nhà thầu phải có số công ty/chi nhánh đặt tại các tỉnh, thành phố Việt Nam, có chức năng cung cấp dịch vụ BH tài sản là ô tô và cung cấp dịch vụ giải quyết bồi thường phục vụ cho các gói thầu này tối thiểu là 50 công ty hoặc chi nhánh/50 tỉnh, thành phố (trong đó có 3 địa điểm đặt tại 3 miền: miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (TP.HCM)”. Ông Phương cho rằng, với yêu cầu này thì chắc chắn có rất ít nhà thầu đáp ứng được. Có thể BMT xuất phát từ yêu cầu giải quyết bồi thường nhanh khi có rủi ro xảy ra, nhưng thực tế là các doanh nghiệp (DN) BH đều có các trung tâm BH tại các vùng hoặc các chi nhánh lân cận có thể giám định hoặc thuê giám định độc lập, thậm chí các nhà thầu có thể liên danh với nhau. “Vậy, có nhất thiết đưa ra quy định này?”, ông Phương đặt câu hỏi.
Đặc biệt, yêu cầu về điều kiện nhà thầu độc lập hoặc từng thành viên trong liên danh phải có lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh BH đối với từng năm (2013, 2014, 2015) >= 0, ông Phương khẳng định rằng: “Lợi nhuận thuần nghiệp vụ về kinh doanh BH không ảnh hưởng tới năng lực của nhà thầu cung cấp dịch vụ BH. Các DN BH đều trích lập Quỹ dự phòng bồi thường. Năng lực của nhà thầu được thể hiện ở kết quả kinh doanh có lợi nhuận hay không. Sức mạnh tài chính thể hiện ở hoạt động đầu tư, năm nay DN có thể gặp rủi ro gây lỗ về nghiệp vụ kinh doanh BH, nhưng tổng doanh thu, lợi nhuận tốt thì vẫn có thể đảm bảo yêu cầu bồi thường tổn thất cho BMT”. Cho rằng đây là yêu cầu hết sức vô lý, ông Phương giải thích thêm: “Việc bảo hiểm 803 xe ô tô, mỗi xe chỉ có giá trị khoảng 1 - 2 tỷ đồng và số xe lại được phân tán trên toàn quốc, nên không thể cùng một lúc xảy ra tổn thất với tất cả các xe được”.
“Quan trọng nhất, việc ra bài thầu là nhằm mục đích, phục vụ nhu cầu gì của BMT? Theo cảm nhận của tôi, ra bài thầu như thế này là để loại nhà thầu, chứ không phải là để chọn ra nhà thầu có đủ năng lực. Với các tiêu chí như trên thì hiện nay trên thị trường BH Việt Nam chỉ có tối đa 1 đến 2 DN đáp ứng được. Các tiêu chí này đã loại bỏ rất nhiều các DN có năng lực cao trên thị trường” - ông Phương nhấn mạnh.
“Với điều kiện về lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh BH, chỉ còn Bảo Minh (vì đơn vị này cũng đang là đối tác thực hiện một gói thầu khác cho Kho bạc Nhà nước), cùng lắm là Bảo Việt có thể trúng thầu”, ông Phương dự đoán.
Bên mời thầu nói gì?
Trao đổi với PV Báo Đấu thầu, ông Bùi Mạnh Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài vụ quản trị của Kho bạc Nhà nước – phụ trách đấu thầu Gói thầu số 08-QLTS giải thích, giá trị hợp đồng tương tự theo quy định là phải ở mức 50 - 70%, thì đây là 50%.
Việc quy định nhà thầu phải có số công ty/chi nhánh đặt tại các tỉnh, thành phố là nhằm đáp ứng BH tổn thất trong thời gian ngắn nhất, càng ngắn càng tốt. Còn văn phòng đại diện/phòng kinh doanh không thể đảm bảo việc sửa chữa nhanh.
Ông Quân cũng cho biết, BMT chỉ quy định lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh BH >= 0 để thể hiện việc kinh doanh của DN có uy tín. Nhà thầu không thể lấy lợi nhuận khác để bù cho lĩnh vực BH được. Nếu DN làm nhiều việc quá thì sẽ không làm tốt việc chính của mình. Một công ty chủ yếu kinh doanh về lĩnh vực khác, BH chỉ là một phần nhỏ thì không thể tin tưởng bằng một công ty chỉ kinh doanh về BH. Hiện nhiều DN mở ra kinh doanh BH, nhưng khi xảy ra rủi ro gì thì đền bù của họ rất kém. Lợi nhuận thuần trong lĩnh vực kinh doanh BH hoàn toàn quyết định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu.
Trước khi lập HSMT, ông Quân cho biết, BMT đã tiến hành khảo sát thực tế thị trường và có từ 3 - 4 nhà thầu đáp ứng điều kiện này.
Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục cung cấp thông tin liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu này.