Trái với động thái bán ròng ồ ạt trong năm 2016, khối ngoại đã có những động thái giao dịch tích cực ngay từ đầu năm 2017. Liên tục trong 8 tháng đầu năm, lực cầu từ nhóm nhà đầu tư này đã đóng một phần vai trò giúp thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục "phá kỷ lục". Tuy nhiên, ngay sau khi thị trường vượt mốc 800 điểm - lần đầu tiên trong gần 10 năm, dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư này đã bắt đầu có dấu hiệu đảo chiều.
Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng trong tháng 9, sau 8 tháng mua ròng liên tục. Ảnh:VDSC
Tổng giá trị bán ròng trên 2 sàn chứng khoán trong tháng 9 đạt gần 700 tỷ đồng. Xét về nhóm ngành, có 8/18 nhóm ngành trên HOSE bị bán ròng trong tháng 9. Bất động sản vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ròng hơn 400 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu ngân hàng, ôtô và phụ tùng.
Như vậy sau khi liên tục mua ròng kể từ đầu năm, khối ngoại đã bán ròng trở lại. Giá trị tích lũy ròng kể từ đầu năm 2017 đạt mức cao nhất tại ngày 5/9 là 14.471 tỷ đồng, sau tháng 9 đã giảm còn 13.597 tỷ đồng. Trong tháng 10 có khả năng diễn biến này sẽ lập lại khi việc thoái vốn tại Nhựa Tiền Phong của cổ đông Thái Lan Saraburi sẽ được tiếp tục.
Trong báo cáo mới công bố, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thực tế tín hiệu cho thấy việc giao dịch kém sôi động của nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã phát ra từ tháng 8 với mức độ tham gia thị trường của khối này giảm hẳn so với mức trung bình thông thường. Sang tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài thực sự đã bán ròng.
"Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vốn dĩ vẫn được xem là trợ lực rất lớn đối với tâm lý nhà đầu tư trong nước. Do vậy, động thái giao dịch của nhóm này vẫn cần được quan sát chặt chẽ trong tháng 10, để xác nhận chắc chắn về sự e ngại của khối ngoại trước mức định giá tương đối cao hiện tại của VN-Index", báo cáo của VDSC viết.
Cùng với đà tăng mạnh của các nhóm chỉ số chính từ đầu năm, thị trường đã hình thành mặt bằng giá mới với các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, mức độ tăng không đồng đều do dòng tiền chỉ tập trung vào những nhóm cổ phiếu nhất định, khiến thị trường có sự phân hóa mạnh.
Đặc biệt trong những tháng gần đây, động lực tăng trưởng chính cho thị trường nằm chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với các câu chuyện đơn lẻ, chẳng hạn như VNM, SAB và BHN liên quan đến phương án thoái vốn Nhà nước, GAS với câu chuyện giá dầu, hay nhóm cổ phiếu ngân hàng với các kỳ vọng về chuyển biến lợi nhuận cũng như khả năng bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài...
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, sự tác động của các câu chuyện trên lại khiến VN-Index bị bóp méo và bức tranh thực của thị trường trở nên không rõ ràng. Đà tăng quá mạnh của những cổ phiếu như Sabeco hay Habeco trước thông tin thoái vốn, khiến thị trường có bước tăng ổn về mặt chỉ số nhưng bức tranh chung lại không được phản ánh đầy đủ.
Điều dễ thấy nhất là những chỉ số đánh giá thị trường chung vẫn duy trì sắc "xanh" nhưng không nhiều nhà đầu tư thực sự đạt được lợi nhuận trong giai đoạn này.
Theo VDSC, do thiếu sự đồng thuận chung của thị trường, mức độ hào hứng của nhà đầu tư cũng theo đó giảm nhiệt trước áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nước ngoài, chỉ số chỉ biến động trong kênh giá hẹp trong hai tuần cuối tháng 9.
"Trong bối cảnh VN-Index đang ở ngưỡng cao nhất kể từ năm 2008 và nhà đầu tư nước ngoài không còn giải ngân tích cực như trong nửa đầu năm thì chúng tôi cho rằng việc giải ngân trong tháng 10 cần thận trọng", VDSC đánh giá.