Không bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, nhà thầu giặt là phải dừng hợp đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa có văn bản về việc tăng cường giám sát, kiểm tra thực hiện quy trình xử lý đồ vải y tế. Theo đó, Bộ Y tế cho biết, hiện nay một số cơ sở cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải cho các bệnh viện không bảo đảm tuân thủ quy trình xử lý, thiếu giám sát thường xuyên của các bệnh viện thuê dịch vụ, làm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch bệnh.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu yếu kém

Nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, giám đốc bệnh viện phải tổ chức thực hiện nghiêm hoạt động quản lý và xử lý đồ vải y tế tại cơ sở về kiểm soát nhiễm khuẩn. Trường hợp cơ sở ký hợp đồng cung cấp dịch vụ giặt là với đơn vị bên ngoài, phải lựa chọn đơn vị có đủ tư cách pháp nhân và thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ.

Đặc biệt, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện xem xét chấm dứt hợp đồng xử lý đồ vải y tế đối với các đơn vị cung cấp bên ngoài không bảo đảm yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn. Đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ Y tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của nhiều bệnh truyền nhiễm cộng đồng.

Khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, hiện nay, rất ít bệnh viện có thể tự đảm nhận nhu cầu giặt ủi đồ vải, đặc biệt là đồ vải nhiễm khuẩn. Do đó, nhu cầu lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ này ngày càng tăng. Thời gian qua, đã có ít nhất 200 gói thầu dịch vụ giặt ủi được các bệnh viện công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong số này, nhiều bệnh viện tuyến cuối đã chi mỗi năm từ 15 - 18 tỷ đồng để thanh toán cho nhà thầu như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y dược, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình…

Theo Sở Y tế TP.HCM, mỗi ngày, hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố cần giặt tẩy 400 tấn đồ vải; hiện có tới 70% trong số 115 bệnh viện công phải đưa đồ giặt tẩy bên ngoài, chưa kể các cơ sở y tế tư nhân.

Thấp thỏm khi chọn nhà thầu

Khảo sát các kết quả lựa chọn nhà thầu dịch vụ giặt ủi cho thấy, nhà thầu cung cấp dịch vụ này rất phong phú. Trên địa bàn TP.HCM, Công ty TNHH Giặt Ủi Xanh, Công ty TNHH Giặt tẩy hấp ủi cao cấp Nơ Xanh, Giặt ủi y tế VT… là những nhà thầu được nhiều bệnh viện lựa chọn cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, tại Hà Nội là những cái tên quen thuộc như: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam, Công ty CP Dịch vụ môi trường y tế MESCO, Công ty CP Đầu tư và Sản xuất thương mại Ngọc Minh Châu…

Đây đều là những doanh nghiệp sở hữu hệ thống nhà máy xử lý đồ nhiễm khuẩn, quy trình xả thải đạt chuẩn. Tuy nhiên, so với nhu cầu xử lý đồ vải y tế trên cả nước, từng này nhà thầu còn chưa thấm vào đâu. Do đó, tình trạng giao thầu cho đơn vị chưa đáp ứng các yếu tố kiểm soát nhiễm khuẩn, yêu cầu xả thải là rất phổ biến. “Đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu giặt ủi hiện nay. Một số bệnh viện chưa coi trọng khâu kiểm soát nhiễm khuẩn đồ vải nên vẫn trao thầu cho những nhà thầu yếu kém. Do đó, các nhà thầu có uy tín gặp nhiều khó khăn, dù lĩnh vực này có nhiều tiềm năng tăng thị phần”, một nhà thầu cho biết.

“Tổ chức lựa chọn nhà thầu xử lý đồ vải y tế, các bệnh viện cũng nhiều nỗi lo vì số lượng nhà thầu bảo đảm yêu cầu kiểm soát nhiễm khuẩn chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng. Tuy nhiên, chỉ đạo của Bộ Y tế là cơ hội rất lớn để các bệnh viện thanh lọc nhà thầu không đủ năng lực”, đại diện một bệnh viện chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM cho biết, sắp tới sẽ đề xuất các cơ sở giặt ủi đồ vải bệnh viện cần tập trung vào khu công nghiệp. “Các cơ sở này nếu nằm trong khu dân cư sẽ là nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe của người dân. Vì đồ vải bệnh viện là nguồn nhiễm bệnh rất lớn với cộng đồng, nếu không được xử lý đúng quy trình”.

Tin cùng chuyên mục