Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không tiêu được

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ 2 tháng nữa là hết năm, nhưng còn khoảng 41.000 tỷ đồng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, tương đương khoảng 69% kế hoạch Thủ tướng giao, chưa giải ngân.
Không chấp nhận tình trạng có tiền mà không tiêu được

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài diễn ra hôm qua, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu giải ngân tối đa khoản vốn này, không thể chấp nhận tình trạng có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được.

Vì sao vay về không tiêu được?

Tình hình giải ngân vốn ODA đã có chuyển biến tích cực sau nhiều chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, địa phương. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638/QĐ-TTg ngày 23/10/2020 thì mức giải ngân đạt trên 35%.

Tuy nhiên, mức giải ngân này vẫn còn thấp, tình trạng có tiền mà không tiêu được, nhất là đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi, gây ra nhiều lãng phí, hệ lụy.

Nguyên nhân chậm giải ngân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và ý kiến của lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương, có cả nguyên nhân đặc thù của năm nay, cả những vấn đề cố hữu nhiều năm.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT cho biết, do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài nên tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát... Ví dụ Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên có trên 100 chuyên gia nước ngoài không đến Việt Nam đúng theo kế hoạch, việc nhập khẩu thiết bị cho Dự án cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu. Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải gia hạn thời gian thực hiện dự án. Từ đầu năm đến nay đã có 26 dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Vấn đề giải phóng mặt bằng; vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ, kịp thời; năng lực tổ chức thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu; khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục… vẫn là những nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn ODA trong năm nay.

Không đá bóng trách nhiệm

Với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đến hết 30/10 ước đạt trên 73% kế hoạch được giao, trong đó vốn ODA đạt 66,7%, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có tỷ lệ giải ngân hàng đầu cả nước dù lượng vốn phải giải ngân rất lớn. Chia sẻ kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã bám sát chủ trương của Chính phủ, phối hợp thường xuyên với các bộ liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với địa phương để đẩy nhanh giải phóng mặt bằng. Các đơn vị trong Bộ sâu sát, quyết liệt, ban nào làm không tốt, chuyển dự án cho ban làm tốt. Bài học kinh nghiệm quan trọng nữa là phải chú ý đến việc triển khai ngoài công trường của nhà thầu, có nhà thầu làm tốt, ý thức trách nhiệm cao, nhưng có nhà thầu chây ì, vì thế ngay tại hợp đồng phải nêu rõ thưởng phạt nếu chậm trễ, thậm chí cắt hợp đồng.

Dẫn kinh nghiệm của tỉnh Ninh Bình một tháng họp HĐND một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, của khâu tổ chức thực hiện. Nhắc lại những nguyên nhân muôn thuở là giải phóng mặt bằng, chậm bố trí vốn đối ứng, Thủ tướng nêu rõ vấn đề mặt bằng chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, có cách làm tốt.

Thủ tướng yêu cầu phải rà lại các nguyên nhân, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào thì phải tự giải quyết, không đá quả bóng từ tỉnh lên Trung ương; cương quyết thay, đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm tích cực hoặc là những cán bộ tiêu cực, không vì nhiệm vụ mà vì lợi ích nhóm trong đầu tư ODA. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT hằng tháng tổng hợp trình Thủ tướng xem xét, điều chuyển nội bộ vốn ODA giữa các dự án trong bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các hiệp định vay sắp kết thúc năm 2020 - 2021, không để mất vốn.

Tin cùng chuyên mục