Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương có vốn điều lệ dự kiến lên tới 1.500 tỷ đồng. Ảnh: Dương Bình |
Qua tìm hiểu, việc Công ty CP Nước Thủ Dầu Một “một mình một chợ” trong hành trình trở thành cổ đông chiến lược của Biwase được cho là nguyên nhân khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch trong cổ phần hóa tại công ty này.
Ngày 10/8/2016, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase).
Kết quả với mức giá khởi điểm 10.200 đồng/CP, đã có tổng cộng 283 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, tổng khối lượng đăng ký mua 61,5 triệu đơn vị, gấp 3,5 lần số lượng CP chào bán (17,6 triệu đơn vị). 41 nhà đầu tư đã trúng giá với mức giá trúng bình quân 14.277 đồng/CP. Số tiền thu về đạt 252 tỷ đồng.
Biwase có vốn điều lệ dự kiến lên tới 1.500 tỷ đồng, tương đương 150 triệu CP, trong đó 17,63 triệu CP được chào bán ra công chúng, tương đương 11%. 52,5 triệu CP (35%) được chào bán cho cổ đông chiến lược được lựa chọn. 76,5 triệu CP(51%) tiếp tục do Nhà nước nắm giữ. Một phần nhỏ CP được chào bán cho cán bộ công nhân viên.
Cổ đông chiến lược “một mình một chợ”
Theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký ngày 2/2/2016, nhà đầu tư chiến lược của Biwase phải thỏa mãn một loạt điều kiện về mặt kỹ thuật như năng lực về lĩnh vực cấp nước, đặc biệt lĩnh vực vận hành bậc cao, chống thất thoát nước,… Tuy nhiên, cổ đông chiến lược không thuộc các đối tượng quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Chiểu theo quy định này, cổ đông chiến lược của Biwase không được là thành viên Ban chỉ đạo cổ phần hóa, các tổ chức tài chính trung gian, các công ty con, công ty liên kết trong cùng tập đoàn, tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con, các cá nhân thực hiện tư vấn, định giá, kiểm toán, đấu giá bán cổ phần.
Nếu mức giá tối thiểu này được thông qua (hoàn toàn đúng luật), đồng nghĩa với việc Nước Thủ Dầu Một đã “mua rẻ” 52,5 triệu CP với giá 698 tỷ đồng, trong khi giá thị trường là 760 tỷ đồng – Công ty “lãi” 52 tỷ đồng. Trong công tác cổ phần hóa, điều này đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước đã thất thoát khoảng 52 tỷ đồng. Đấy là chưa kể trường hợp khi các nhà đầu tư chiến lược “đấu” nhau, mức giá có thể đẩy cao hơn nữa, tối đa hóa số tiền Nhà nước thu về.
Lách luật?
Một chi tiết đáng chú ý là Nước Thủ Dầu Một là một công ty cực kỳ quen thuộc đối với Biwase. Cụ thể, công ty này là 1 trong 4 công ty liên kết của Biwase với tỷ lệ nắm giữ của Biwase tại Nước Thủ Dầu Một là 26%. Tuy nhiên, trong những phiên giao dịch đầu tiên sau khi TDM lên sàn UpCOM, Biwase đã nhanh chóng thoái vốn khỏi công ty này, chính thức chấm dứt quan hệ công ty liên kết kể từ 22/4/2016. Đây là cách nhanh nhất giúp Nước Thủ Dầu Một thỏa mãn điều kiện là cổ đông chiến lược của Biwase như đã nói ở trên.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thiền (sinh năm 1957) – Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc của Biwase, đồng thời kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của Nước Thủ Dầu Một. Đến ngày 2/6/2016, ông Thiền chính thức từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, chấm dứt những liên quan có thể nhìn thấy giữa Biwase và Nước Thủ Dầu Một.
Được biết, Nước Thủ Dầu Một có vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Số tiền tối thiểu mà công ty này bỏ ra để trở thành cổ đông chiến lược của Biwase đã hơn gấp đôi vốn điều lệ của Công ty. Cổ phiếu TDM đã tăng giá lên mức đỉnh gần 40.000 đồng/CP xung quanh thời điểm mà Biwase thoái vốn.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa Nước Thủ Dầu Một và Biwase đang khiến dư luận đặt câu hỏi về tính minh bạch trong công tác cổ phần hóa Biwase.
Chúng tôi đã liên hệ với Nước Thủ Dầu Một nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức từ công ty này.