Khung pháp lý đấu thầu dự án đầu tư kinh doanh: Khoảng trống cần lấp đầy

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thực tiễn nhiều dự án đầu tư kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhưng địa phương còn lúng túng trong triển khai thủ tục lựa chọn nhà đầu tư (LCNĐT). Việc quy định đầy đủ về LCNĐT đối với những dự án này tại pháp luật về đấu thầu, theo nhiều ý kiến, sẽ giúp địa phương thuận lợi hơn trong thực hiện, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, khu công viên giải trí kết hợp thương mại dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, khu công viên giải trí kết hợp thương mại dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Theo Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch HĐQT DVL Ventures, thực tiễn rất nhiều lĩnh vực trong pháp luật chuyên ngành quy định dự án có từ 2 nhà đầu tư quan tâm trở lên thì thực hiện thủ tục LCNĐT theo pháp luật về đấu thầu. Trong khi đó, hiện pháp luật về đấu thầu chỉ điều chỉnh các hoạt động LCNĐT đối với các dự án sử dụng đất với phạm vi hẹp. Vì vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lúng túng, mỗi nơi một kiểu, ví dụ như LCNĐT trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, các công trình xã hội hóa về y tế, giáo dục, văn hóa, năng lượng, môi trường, các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng khác.

Luật sư Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH DMK Việt Nam cho biết, thực tiễn hiện xuất hiện hình thức kinh doanh mới rất phát triển đó là thuê môi trường rừng theo Luật Lâm nghiệp năm 2017. Nhiều địa phương đã ban hành quy định tạm thời về việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng và hiện rất lúng túng, phải tạm dừng do nhu cầu thuê quá lớn. Điều đó chỉ ra cần sớm có hành lang pháp lý công khai, minh bạch cho hoạt động kinh doanh này để bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư có cùng nhu cầu, giúp địa phương chủ động trong việc LCNĐT theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cũng theo đại diện DMK Việt Nam, LCNĐT đối với trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ đề nghị cho phép nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để thực hiện dự án phi nông nghiệp (không phải khu đô thị, thương mại dịch vụ…), ví dụ như nhà xưởng sản xuất, cũng chưa có quy định cụ thể. Trường hợp đã có một nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tự nhận chuyển nhượng đất thì nhà đầu tư thứ hai có được cho phép nhận chuyển nhượng hoặc đề xuất thực hiện dự án mới trên cùng khu đất hoặc diện tích bao trùm khu đất không? Trường hợp tại cùng một thời điểm đồng thời có 2 nhà đầu tư cùng xin tự nhận chuyển nhượng đất ở cùng một khu đất thì tiêu chí lựa chọn dựa trên căn cứ nào? Từ vướng mắc này, DMK kiến nghị có rà soát, hướng dẫn cụ thể theo hướng dẫn chiếu áp dụng quy định pháp luật về đấu thầu để đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục pháp lý trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cho các dự án công nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất hàng hóa.

Theo một số địa phương, những dự án đầu tư kinh doanh như đầu tư xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm, hạ tầng khu công nghiệp, khu công viên giải trí kết hợp thương mại dịch vụ… có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng thủ tục LCNĐT chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh tại luật, nghị định hướng dẫn về đấu thầu. Do đó, địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức LCNĐT đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm, nhiều trường hợp xảy ra kiến nghị, khiếu nại.

Góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số ý kiến đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu theo hướng bổ sung hoạt động LCNĐT thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, bao gồm dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án đầu tư kinh doanh phải tổ chức đấu thầu LCNĐT theo quy định của pháp luật. Việc đưa vào phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu những trường hợp này sẽ làm cơ sở cho địa phương tổ chức kêu gọi, LCNĐT thực hiện dự án nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai, một số ý kiến đề nghị quy định về LCNĐT thực hiện dự án có sử dụng đất cần được xây dựng phù hợp với chức năng điều chỉnh của từng luật, theo nguyên tắc Luật Đất đai là luật khung điều chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai, Luật Đấu thầu là luật khung quy định về đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, đề nghị phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và Luật Đất đai theo hướng Luật Đất đai quy định trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu LCNĐT thực hiện dự án có sử dụng đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất, quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất; Luật Đấu thầu quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục LCNĐT dự án có sử dụng đất. Hai luật đều đang trong quá trình sửa đổi, là cơ hội để sửa đổi, bổ sung, giúp quy định đồng bộ, thống nhất, thực thi thuận lợi, hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục