Chuyên gia khuyến nghị, để tránh rủi ro, hợp đồng gói thầu nên có quy định chỉ điều chỉnh giá khi giá than biến động vượt ngưỡng cho phép nêu trong hợp đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị đáng lưu ý về việc thực hiện hợp đồng gói thầu này.
Tiết kiệm hơn 660 tỷ đồng qua đấu thầu
Gói thầu số 12: “Cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử, nghiệm thu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4” vừa được Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân (bên mời thầu) trao cho Liên danh Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC - PT Sumber Global Energy - Công ty Viên Lâm Hà Nội.
Gói thầu số 12 thuộc Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, sử dụng nguồn vốn do chủ đầu tư thu xếp, thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ ngày 27/12/2016 đến ngày 9/2/2017, lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh 3 nhà thầu đã trúng thầu Gói thầu số 12 với giá trúng thầu là 1,084 tỷ đồng, giảm 666 tỷ đồng so với giá gói thầu (1.750 tỷ đồng). Gói thầu này áp dụng hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.
Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó sử dụng 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của tổ hợp Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Công ty Bảo hiểm thương mại Hàn Quốc (KSURE), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Công ty Bảo hiểm đầu tư và xuất khẩu Nhật Bản (Nippon Export and Investment Insurance - NEXI). Phần vốn đối ứng còn lại (tương tương 15%), chủ đầu tư vay nguồn tín dụng các ngân hàng trong nước.
Nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu, có 27 nhà thầu tham gia mua HSMT, 10 nhà thầu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã nộp hồ sơ dự thầu.
Đề cập kết quả tiết kiệm “siêu khủng” qua đấu thầu (lên tới 666 tỷ đồng), nguồn tin trên cho hay: “Đây là gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Giá trúng thầu là giá nhà thầu đưa ra. Bên mời thầu và các bên liên quan thấy phù hợp nên Liên danh 3 nhà thầu đã được chọn để thực hiện Gói thầu”.
Được biết, Hợp đồng thực hiện Gói thầu đã được ký kết vào sáng hôm qua (ngày 28/3/2017) tại Bình Thuận.
Hợp đồng chặt, tránh rủi ro
Mặc dù Gói thầu có giá trúng thầu giảm “siêu khủng” so với giá gói thầu, tuy nhiên nguồn tin cho biết: “Khi trúng thầu là vậy, nhưng thực tế là giá than nhập khẩu phụ thuộc chặt chẽ vào diễn biến giá than thế giới. Có thể đến khi nhà máy cần than để vận hành thì giá than lại tăng”. Trong khi đó, thông tin mời thầu Gói thầu của Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân công bố: “Thời gian thực hiện hợp đồng phù hợp với tiến độ thử điện thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân” mà tiến độ này có thể không được như kế hoạch đặt ra. Đơn cử, mới đây, trong quá trình thực hiện công tác lắp đặt và cân chỉnh các thiết bị gần khu vực ống khói của Nhà máy, nhà thầu thi công đã để xảy ra sự cố dẫn đến Dự án bị tạm dừng để các bên liên quan thực hiện kiểm tra.
Trước thực tế này, để lường trước những rủi ro trong quá trình thực hiện hợp đồng của Gói thầu trong trường hợp giá than có diễn biến bất lợi, nguồn tin trên cho hay: “Gói thầu được thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, theo đó các bên cũng có những quy định phù hợp. Trường hợp khi ký hợp đồng Gói thầu giá than thực tế đang giảm sâu, nhưng đến lúc cần than cho vận hành Nhà máy giá than lại bị đẩy lên cao thì cũng được ghi rõ trong hợp đồng, mức độ điều chỉnh nằm trong giới hạn được các bên quy định”.
Một chuyên gia về đấu thầu cũng cho rằng, khi nhà thầu chào giá rất thấp ở thời điểm hiện tại, nhưng đến khi vận hành Nhà máy giá than có thể biến động rất lớn thì khoảng giá từ năm nay tới năm sau khó lường. Do đó, để tránh rủi ro trong việc thực hợp đồng cho cả chủ đầu tư và nhà thầu thì bản hợp đồng phải được xây dựng hết sức chặt chẽ cả về nguyên tắc điều chỉnh, phạm vi điều chỉnh và công thức điều chỉnh. Nếu giá than có biến động vượt ngưỡng cho phép được quy định trong hợp đồng thì mới điều chỉnh.