Sáng 9/12/2015, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ II - Ảnh: Dũng Minh |
Đặc biệt, cùng với quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế toàn diện từ năm 1986 đến nay, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới kinh tế, từng bước chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang quản lý theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để phù hợp với tình hình mới, tư duy, nội dung, phương pháp, quy trình xây dựng và thực hiện kế hoạch cũng được đổi mới một cách sâu sắc, thể hiện rõ vai trò của ngành Kế hoạch và Đầu tư trong việc điều tiết các cân đối vĩ mô, đảm bảo nguồn lực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.
Xây dựng thể chế, chính sách phát triển
Trong 30 năm đổi mới, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, điển hình là 3 chiến lược: 1991 - 2000; 2001 - 2010, 2011 - 2020 và 9 kế hoạch 5 năm. Đồng thời, tham mưu xây dựng Dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội trình Quốc hội và Đại hội Đảng của các thời kỳ. Những chiến lược này là kim chỉ nam, phương hướng và đường lối phát triển của đất nước trong từng giai đoạn.
Về thể chế, chính sách, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách trong các lĩnh vực: tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, quản lý điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý vốn hỗ trợ phát triển (ODA), đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản lý đấu thầu, quản lý khu kinh tế, phát triển DN, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...
Để khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và tổ chức thực hiện quyết liệt chính sách này. Từ đó, tình trạng dàn trải, lãng phí trong đầu tư công đã bước đầu được chặn đứng.
Đồng thời, tham mưu xây dựng kế hoạch trung hạn về vốn trái phiếu chính phủ và kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện cho các cấp, các ngành chủ động cân đối vốn, quản lý và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công, tạo cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020. Đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong đổi mới công tác quản lý, sử dụng và tái cơ cấu đầu tư công.
Đến nay, đã có hơn 19.500 dự án FDI đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam với vốn đăng ký hơn 270 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài hiện đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, ngành Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách, đường lối quan trọng trong quá trình cải cách DNNN. Ngành cũng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy về trợ giúp phát triển DN. Các sắc luật kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo cùng nhiều văn bản hướng dẫn quan trọng khác được đánh giá là những điểm sáng trong tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam, đánh dấu những đột phá về cải cách thể chế, hiện thực hóa quyền tự do trong kinh doanh.
Những cơ chế, chính sách đột phá đó đã tạo nền tảng pháp lý thông thoáng cho khoảng 600.000 DN đang hoạt động, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA) là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong hơn 20 năm qua. Từ năm 1993 đến năm 2012, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì luôn là một sự kiện quan trọng, nơi các định chế và quốc gia phát triển tư vấn và tài trợ Việt Nam nhiều tỷ USD mỗi năm để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
Bắt đầu từ năm 2013, khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, sự kiện này đã được thay đổi về chất và trở thành Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF), đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam với thế giới.
Là một trong những dấu ấn đậm nét nhất của đường lối mở cửa, hội nhập, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã khơi thông dòng chảy vốn đầu tư, tạo điều kiện để hàng chục ngàn nhà đầu tư nước ngoài tham gia kinh doanh tại Việt Nam.
Đến nay, đã có hơn 19.500 dự án FDI đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Việt Nam với vốn đăng ký hơn 270 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài hiện đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng triệu lao động.
Đột phá tư duy cải cách thể chế kinh tế
Đổi mới về tư duy phát triển luôn được coi là bước đột phá trong tiến trình cải cách. Là ngành tham mưu cho Đảng, Nhà nước những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội, những tư tưởng đổi mới của ngành Kế hoạch và Đầu tư góp phần mang lại những đổi mới tích cực về hệ thống thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong tiến trình này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đề xuất các sáng kiến, chủ trì soạn thảo và tổ chức thi hành các bộ luật hết sức quan trọng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Gần đây nhất, trong rất nhiều văn bản chính sách pháp luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo, hai sắc luật với những cải cách đột phá, được các DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao là Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014.
Khởi điểm từ sự thừa nhận kinh tế tư nhân vào năm 1988 với việc Chính phủ ban hành Nghị định 27-HĐBT cho phép người dân được mở xí nghiệp tư doanh và cho phép chuyển hợp tác xã thành xí nghiệp tư nhân, năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân đã được soạn thảo và ban hành.
Một điểm nhấn mang tính bước ngoặt là việc soạn thảo và ban hành Luật Doanh nghiệp 1999 thay thế Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 với nhiều tư tưởng đổi mới mang tính đột phá, xóa bỏ cơ chế xin cho và bãi bỏ nhiều yêu cầu, điều kiện, thủ tục thành lập DN.
Với sự thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đã thực hiện rà soát, đánh giá phân loại các giấy phép có liên quan đến thi hành Luật để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, kết quả là đã kiến nghị bãi bỏ được 160 giấy phép kinh doanh các loại trong giai đoạn 2000 - 2003.
Đây cũng là nền tảng tiến bộ để tạo đà cho sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 2005 với sự thay đổi lớn phù hợp với tiến trình hội nhập là tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư và DN, quy định thống nhất về hình thức tổ chức kinh doanh không phân biệt nhà đầu tư trong hay ngoài nước, đồng thời bổ sung nhiều nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế.
Gần đây nhất, trong rất nhiều văn bản chính sách pháp luật mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo, hai sắc luật với những cải cách đột phá, được các DN và nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao là Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014.
Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, soạn thảo và đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Doanh nghiệp 2014 đánh dấu bước đột phá trong cải cách khuôn khổ pháp lý và hoàn thiện thế chế, môi trường kinh doanh trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều thay đổi mang tính cách mạng về quyền tự do kinh doanh, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động kinh doanh của DN và người dân, cải cách thủ tục hành chính, con dấu, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, dễ dàng trong tái cơ cấu DN.
Những thay đổi lớn này sẽ là cơ sở thực hiện đầy đủ trên thực tế quyền tự do kinh doanh của người dân và DN theo Hiến pháp năm 2013, giảm đáng kể rủi ro thương mại và pháp lý, giảm chi phí giao dịch, tăng độ an toàn và chủ động, khuyến khích tối đa sức sáng tạo của DN, qua đó tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa tiềm năng, cơ hội kinh doanh để phát triển.
Luật Đầu tư 2014 được dư luận đánh giá đã góp phần hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khung khổ pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư và tạo sân chơi bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn FDI, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ mới.
Đó chỉ là hai trong rất nhiều cơ chế, chính sách mới mà ngành Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì soạn thảo và tạo được dấu ấn bởi tư duy xây dựng thể chế kinh tế mới.
Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng mở cửa, hội nhập sâu rộng với thế giới qua hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới, việc nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phải đến từ sự thay đổi thể chế kinh tế, cơ cấu kinh tế theo hướng thông thoáng và khoa học hơn.
Với những đổi mới mang tính đột phá về môi trường kinh doanh từ các chính sách, cơ chế mới, kỳ vọng một không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam đã và đang bắt đầu.
“Môi trường kinh doanh không chỉ cần thuận lợi mà còn cần an toàn”
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Tuy nhiên, sự phối hợp và tính đồng bộ, nhất quán giữa các bộ ngành, địa phương và các cấp hành chính vẫn chưa đạt yêu cầu, đang là các điểm nghẽn cần được giải tỏa. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời đánh giá cao mô hình Trung tâm hành chính công và mô hình Ban xúc tiến đầu tư trực tiếp dưới sự chỉ đạo của chủ tịch UBND ở một số địa phương. Đó là những thực tiễn tốt cần được nhân rộng.
Công tác cải cách thể chế, nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực, nhưng vẫn cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN. Cũng liên quan đến môi trường kinh doanh, chúng tôi quan niệm một môi trường kinh doanh lành mạnh không phải chỉ là môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn là một môi trường kinh doanh an toàn. Do vậy, song hành với cải cách hành chính, cải cách tư pháp cần phải là một trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh sắp tới.
|
“Mong muốn các chính sách mới được triển khai rốt ráo trên thực tế”
Ông Ryu Ju Yeol, Tổng giám đốc Công ty TNHH Posco SS Vina
Tập đoàn Posco đánh giá cao môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Chúng tôi cũng mong muốn những chính sách này tiếp tục được thực thi và cải thiện hơn nữa, nhằm tăng cường bảo vệ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và DN được tự do kinh doanh sáng tạo và phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của Việt Nam.
|