Kinh nghiệm giải ngân: Nhìn từ những dự án đúng hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù cùng chịu khó khăn chung là Covid-19, bão giá, cùng mặt bằng thể chế chính sách và cũng có rất nhiều khó khăn riêng, nhưng nhiều công trình giao thông lớn đã, đang được thi công đảm bảo tiến độ, về đích đúng hẹn. Đó là những kinh nghiệm quý để thúc đẩy tiến độ triển khai nhiều dự án giao thông nói riêng, dự án đầu tư công nói chung trong năm 2022.
Tuyến cao tốc dài hơn 80 km nối Vân Đồn - Móng Cái được thông xe kỹ thuật chỉ sau hơn 2 năm thi công. Ảnh: Lê Tiên
Tuyến cao tốc dài hơn 80 km nối Vân Đồn - Móng Cái được thông xe kỹ thuật chỉ sau hơn 2 năm thi công. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 1/1/2022, tuyến cao tốc dài hơn 80 km nối Vân Đồn - Móng Cái được thông xe kỹ thuật chỉ sau hơn 2 năm thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.195 tỷ đồng, trong đó đoạn Vân Đồn - Tiên Yên đầu tư công, đoạn Tiên Yên - Móng Cái đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Sau thông xe, các hạng mục cuối cùng của Dự án sẽ tiếp tục được hoàn thành, dự kiến đưa vào khai thác toàn tuyến trong năm 2022.

Thời gian triển khai Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gần như rơi hoàn toàn vào 2 năm dịch Covid-19 bùng phát. Thế nhưng, tuyến cao tốc không những đạt tiến độ theo kế hoạch, mà còn có nhiều con số ấn tượng như tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh nhất từ trước tới nay - chỉ đúng 15 ngày đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn tuyến dài 80 km; cầu Vân Tiên - một trong 32 cây cầu trên toàn tuyến, cũng là cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh hiện nay, thi công xong chỉ trong thời gian chưa đầy 1 năm…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hoàng Văn Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quá trình triển khai thi công, các nhà thầu gặp không ít khó khăn nhất là đối với phần đường. Về địa hình, địa chất, đoạn tuyến Vân Đồn - Tiên Yên bị chia cắt bởi 7 cầu và đan xen là hệ thống bãi triều, nhiều đoạn tuyến thi công phụ thuộc vào thủy triều, thời gian mở đường công vụ để tiếp cận tuyến thi công mất gần 2 tháng. Trên tuyến phát sinh hơn 1,5 km đất yếu so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt dẫn đến khối lượng xử lý đất yếu lớn. Nguồn đất điều phối khó khăn dẫn đến phải điều chỉnh mỏ đất đắp mất nhiều thời gian. Thời tiết khu vực công trình năm 2021 không thuận lợi, thống kê từ tháng 4/2021 đến tháng 10/2021 có 94 ngày mưa, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, đặc biệt là công tác thi công đường. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng không ít đến công tác huy động nhân lực, thiết bị, vật tư... nhất là vật tư nhập ngoại; giá vật liệu, vật tư tăng cao cũng tác động lớn đếh tiến độ thi công.

Ông Hoàng Văn Bình cho biết, để khắc phục khó khăn, trong suốt quá trình triển khai thi công Dự án, Chủ đầu tư luôn bám sát hiện trường, sâu sát cụ thể từng gói thầu, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu huy động mọi nguồn lực triển khai đồng loạt các mũi thi công. Chủ đầu tư đã lập tiến độ chi tiết từng tháng, quý để kiểm soát tiến độ, đặc biệt vào quý IV/2021, lập tiến độ chi tiết theo từng ngày, từng tuần, yêu cầu các nhà thầu tiếp tục huy động tối đa thiết bị, nhân lực, vật lực để tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp. Chủ đầu tư, lãnh đạo các nhà thầu thường trực tại công trường để chỉ đạo và giải quyết các vướng mắc kịp thời; động viên, bồi dưỡng để khích lệ người lao động... Đặc biệt, sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân là yếu tố quan trọng góp phần giúp Dự án đảm bảo tiến độ.

Để đảm bảo tiến độ thi công Dự án, tỉnh Quảng Ninh đã phát động nhiều chiến dịch thi đua lao động như: chiến dịch "30 ngày đêm" hoàn thành giải phóng mặt bằng, 500 ngày đêm hoàn thành Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ngày 2/9/2021, trước giai đoạn nước rút, Tỉnh phát động đợt thi đua cao điểm "100 ngày đêm hoàn thành 3 công trình động lực" gồm Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và Dự án Cầu Cửa Lục 1… Kết quả, cả ba công trình lớn này dù triển khai trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng đều về đích đúng hẹn.

Từ phía nhà thầu, sự chủ động tổ chức thi công, năng lực quản trị, tài chính tốt, quyết tâm cao cũng là yếu tố quan trọng giúp 3 công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh đảm bảo tến độ.

Nói về việc thi công đường hầm xuyên núi thuộc Dự án Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, đại diện Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu thi công, cho biết do địa hình, kết cấu đá phức tạp, nhà thầu đã chủ động bổ sung, nâng cấp thiết bị, tổ chức thi công đồng bộ cả hai phía hầm trong cả 3 ca liên tục, biện pháp thi công điều chỉnh liên tục, áp dụng phương án thi công đảm bảo yêu cầu hệ thống kết cấu chống đỡ… Hay như cầu Cửa Lục 1 (cầu Tình yêu) với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, Đèo Cả cũng đã tập trung hoàn thành chỉ sau 20 tháng thi công.

Nhìn rộng cả nước, trong năm 2021, dù tỷ lệ giải ngân chung thấp hơn kế hoạch, nhưng cũng có nhiều bộ, ngành, địa phương đạt kết quả giải ngân tốt. Có thể kể đến như Bộ Giao thông vận tải với khối lượng vốn kế hoạch rất lớn nhưng luôn có tỷ lệ giải ngân cao hơn mặt bằng cả nước. Trong năm 2021, Bộ đã hoàn thành, đưa vào khai thác 14 dự án, công trình giao thông lớn.

Nhìn từ những dự án lớn của Quảng Ninh, các đơn vị giải ngân tốt, yếu tố quan trọng là trong khó khăn càng phải phát huy mạnh mẽ hơn vai trò, trách nhiệm cá nhân; sự sâu sát, quyết liệt của người đứng đầu; sự chủ động trong tổ chức thi công, giải quyết vướng mắc của chủ đầu tư và tinh thần trách nhiệm, năng lực của nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục