Kinh tế Việt Nam 2022: Vững vàng trước sóng cả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) của đất nước. Đi qua 9 tháng đầu năm 2022, điều đáng mừng là nền kinh tế nước ta cho thấy khả năng vững vàng vượt qua sóng cả, với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo về đích kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng kinh tế năm 2022 ước đạt khoảng 8%, tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo về đích kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều điểm sáng giữa thách thức, khó khăn

Trước đó, tại Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngay trước Kỳ họp, những kết quả về phát triển KTXH 9 tháng và dự kiến cả năm 2022 đã được Chính phủ báo cáo UBTVQH. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2022, nền kinh tế nước ta dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu so với kế hoạch Quốc hội giao, trong đó vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán, tạo dư địa trong điều hành tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Vốn FDI thực hiện ước đạt 21 - 22 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 - 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%, là động lực để nền kinh tế đẩy nhanh việc mở rộng năng lực sản xuất trong thời gian tới...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên họp UBTVQH đánh giá, đây là những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhiều thách thức lớn hơn so với dự báo.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ đã xảy ra, khả năng phục hồi, phát triển kinh tế của Việt Nam những tháng đầu năm 2022 đã được quốc tế đánh giá cao. Theo xếp hạng tháng 8/2022 của Nikkei Asia, Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển KTXH. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay…

Ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chiều ngày 18/10/2022 đã bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam hơn 30 năm qua. Ông đánh giá Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có kết quả phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 và có triển vọng tích cực năm 2023. Tổng Thư ký OECD nhận định, thành quả phát triển trên cho thấy, Việt Nam đã có chính sách, hướng đi đúng đắn, nhất là việc chuyển hướng từ "zero COVID" sang mở cửa, phục hồi kinh tế hiệu quả.

Cần giải pháp giải quyết điểm tồn tại

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lưu ý, bên cạnh kết quả đạt được, bức tranh chung của nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần quan tâm. Trong số 15 chỉ tiêu chủ yếu, theo báo cáo của Chính phủ còn 1 chỉ tiêu dự kiến không đạt, đó là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước tăng khoảng 5,2% (mục tiêu đề ra là 5,5%). Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kết quả như mong đợi. Việc xử lý các ngân hàng yếu kém, dự án kém hiệu quả thua lỗ kết quả còn chậm, doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn...

Theo Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022, nhất là quý III khá cao, song không nên chủ quan vì mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước thấp. Thực tế, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; các gói hỗ trợ thực hiện còn chậm, gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Nỗ lực “giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023” không thực hiện được, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng… Có ý kiến cho rằng, bối cảnh hiện nay đã có nhiều điểm khác so với thời điểm xây dựng và ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 (NQ43), cho thấy cần xem xét điều chỉnh, hoàn thiện một số chính sách trong quá trình thực thi, bảo đảm tính hợp lý, cân đối đa chiều giữa kinh tế, xã hội và môi trường, giữa ngắn hạn và dài hạn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, cần gỡ vướng cho các vấn đề như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao; thời gian hoàn thành thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án mới kéo dài; năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, ban quản lý dự án còn hạn chế. Cần có giải pháp đối với một số nhà thầu đang tổ chức thi công theo kiểu “cầm chừng” nhằm chờ giá giảm, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…