Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, giải ngân vốn tín dụng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh còn phức tạp và tác động bất lợi đến nhiều ngành nghề, song vẫn có một số lĩnh vực kinh doanh hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đang thực hiện chủ trương thúc đẩy vốn cho sản xuất kinh doanh qua các gói hỗ trợ tín dụng. Đây được coi là những động lực giữ cho đà tăng trưởng tín dụng năm nay duy trì ở mức khả quan.
7 tháng năm 2021, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 6,66%. Ảnh: Tiên Giang
7 tháng năm 2021, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 6,66%. Ảnh: Tiên Giang

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến hết tháng 7, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,66%, cao hơn hẳn so với con số khoảng 3,5% của cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tính đến cuối tháng 6, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 5,68% so với cuối năm 2020. Đây là những con số tích cực trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Về mức tăng trưởng tín dụng cả năm, theo nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với chính sách thúc đẩy vốn cho khôi phục sản xuất kinh doanh, VDSC dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 13,1%.

Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, NHNN cần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kể từ quý IV/2021. Vì vậy, NHNN có thể sẽ phân bổ thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, tương tự năm 2020 khi NHNN nới hạn mức tín dụng 2 lần. Từ đó, nhóm nghiên cứu của công ty chứng khoán này dự báo, tín dụng toàn ngành sẽ tăng 12,5% trong năm 2021 và 14% năm 2022. Các ngân hàng với hệ số an toàn vốn (CAR) tốt và nền tảng khách hàng mạnh có thể sẽ được phân bổ hạn mức tín dụng cao hơn.

Liên quan đến nội dung này, tại cuộc khảo sát kinh doanh quý III/2021 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng dự báo dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,7% trong quý III/2021 và tăng 13,1% trong năm 2021, giảm so với mức kỳ vọng 14,7% tại kỳ điều tra thực hiện vào tháng 3/2021.

TS. Cấn Văn Lực, Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, diễn biến dịch bệnh phức tạp và ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp song vẫn có những doanh nghiệp hoạt động tốt. Thêm vào đó, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan điều hành yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nên giải ngân tín dụng có thể khả quan trong quý cuối năm, giúp tổng mức tăng trưởng cả năm nay có thể đạt 10 - 12%, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 12,13% của năm 2020.

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, từ đầu năm đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2021 khoảng 12% và có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Cơ quan này sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay.

Tin cùng chuyên mục