Bán thầu chuyên nghiệp
Ngày 12/3/2013, Báo Đấu thầu đăng tải thông báo mời thầu (TBMT) 3 gói thầu do Ban Quản lý dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long – Tiểu dự án Thành phố Mỹ Tho (BQLDA NCĐT TP. Mỹ Tho) làm bên mời thầu, bao gồm: Trường Tiểu học (TH) Đinh Bộ Lĩnh, Trường TH Tân Long, Trường TH Kim Đồng. Đây là 3 gói thầu sử dụng vốn từ nguồn tín dụng của Hiệp hội Phát triển quốc tế - IDA (thuộc Ngân hàng Thế giới) cho Dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau quá trình tổ chức mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT), BQLDA NCĐT TP. Mỹ Tho đã lựa chọn Công ty Thái Sơn là nhà thầu trúng thầu. Ngày 6/8/2013, hợp đồng xây dựng giữa Ban này và Công ty Thái Sơn đã được ký kết.
Tuy nhiên, theo hồ sơ mà Báo Đấu thầu thu thập được, kể từ khi được công bố trúng thầu, ký hợp đồng xây dựng, Công ty Thái Sơn không hề có động thái bắt tay vào thực hiện hợp đồng thi công các gói thầu. Các gói thầu “án binh bất động” trong suốt một thời gian dài. Sau đó, Công ty Thái Sơn đã bán 3 gói thầu này cho 3 công ty khác với hình thức giao khoán. Điều đáng nói, cả 3 nhà thầu sau khi đã mua 3 gói thầu này đều thi công ì ạch. Sau một năm tiến hành ký hợp đồng mà khối lượng thi công chưa đáng kể, Công ty Thái Sơn đã tìm kiếm “đối tác” thứ ba để bán lần nữa. Công ty TNHH XD TM Huỳnh Văn Nô (Công ty Huỳnh Văn Nô) chính thức nhập cuộc mua bán thầu từ đây. Hợp đồng giao khoán đầu tiên được Công ty Thái Sơn ký với Công ty Huỳnh Văn Nô ngày 7/10/2014. Theo hợp đồng này, bên A (Công ty Thái Sơn) và Bên B (Công ty Huỳnh Văn Nô) cùng thỏa thuận ký kết hợp đồng giao khoán thi công xây lắp Gói thầu Trường TH Kim Đồng. Hợp đồng đã thể hiện tính chất “con buôn” của Công ty Thái Sơn khi thể hiện: Sau khi bán thầu cho Công ty Xây dựng Hoàn Thành (Công ty Hoàn Thành), và Công ty Hoàn Thành không có khả năng thi công gói thầu này, Công ty Thái Sơn đồng ý giao khoán cho Công ty Huỳnh Văn Nô thi công phần hạng mục công việc còn lại của hợp đồng giao khoán giữa Công ty Thái Sơn và Công ty Hoàn Thành. Việc xác định khối lượng công việc đã thực hiện, công việc còn lại, giá trị vật tư và các tài sản khác tại công trường do Công ty Huỳnh Văn Nô và Công ty Hoàn Thành tự thống nhất với nhau và tự chịu trách nhiệm.
Hợp đồng giao khoán được ký ngày 15/1/2015 giữa ba bên, với bên A là Công ty Thái Sơn, Bên B là Công ty TNHH XD Đạt Toàn (Công ty Đạt Toàn), Bên C là Công ty Huỳnh Văn Nô về việc thi công Gói thầu Xây dựng Trường TH Đinh Bộ Lĩnh. Theo hợp đồng này, khối lượng thực hiện dở dang do Công ty Đạt Toàn thực hiện tạm tính là 1,6 tỷ đồng. Khối lượng còn lại do Công ty Huỳnh Văn Nô thực hiện là hơn 1,4 tỷ đồng.
Hợp đồng giao khoán được ký ngày 19/1/2015 giữa Công ty Thái Sơn (Bên A) với Công ty CP Xây dựng CVN (Bên B) và Công ty Huỳnh Văn Nô (Bên C) thể hiện việc thi công Gói thầu Xây dựng trường TH Tân Long. Theo hợp đồng này, khối lượng do Công ty CP Xây dựng CVN đã thực hiện là hơn 1,4 tỷ đồng. Khối lượng dang dở Công ty Huỳnh Văn Nô hỗ trợ thực hiện là hơn 1,9 tỷ đồng.
Khó xác định hành tung của Công ty Thái Sơn
Vậy, tung tích của Công ty Thái Sơn thực sự như thế nào, mà rất nhiều cá nhân và đơn vị đều kêu “khó xác định”? Đến mức “ông chủ nợ” là Công ty Huỳnh Văn Nô 5 lần 7 lượt đi xe đò lên TP.HCM để “đòi nợ” đều than trời là “cái chuồng heo” và không có bất kỳ hoạt động nào? Báo Đấu thầu đã vào cuộc xác minh, điều tra ban đầu. Lần theo địa chỉ được đăng ký trong hợp đồng giao khoán giữa Công ty Thái Sơn và các bên cho thấy, địa chỉ của Công ty Thái Sơn là 51 Lã Xuân Oai, phường Long Trường, Quận 9, TP.HCM. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến địa chỉ này, có đến 3 tấm biển đăng ký địa chỉ giao dịch. Đó là Công ty Thái Sơn, Công ty CP Tập đoàn Hằng An và Công ty CPTM Thép Hưng Phát. Tuy nhiên, ngoài 3 tấm biển treo ngoài cổng, bên trong địa chỉ này quả thật nhếch nhác, lộn xộn và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hoạt động của một công ty xây dựng. Hỏi rất nhiều người dân sinh sống lân cận địa chỉ này đều không ai biết gì về hoạt động của Công ty Thái Sơn. Gọi điện đến số điện thoại có nêu trong các văn bản ký kết giữa Công ty Thái Sơn và các nhà thầu nêu trên đều không có tín hiệu trả lời.
Việc tổ chức đánh giá HSDT các gói thầu mà Công ty Thái Sơn dự và trúng thầu tại BQLDA NCĐT TP. Mỹ Tho diễn ra như thế nào? Tại sao BQLDA NCĐT TP. Mỹ Tho lại để cho tình trạng bán thầu lòng vòng, công khai diễn ra tại nhiều gói thầu do mình quản lý như vậy? Công ty Thái Sơn thực sự có năng lực đến đâu và đã bán thầu tại những gói thầu nào khác? Phải chăng, chính sự “nhắm mắt làm ngơ” của BQLDA NCĐT TP. Mỹ Tho đã dung dưỡng cho những nhà thầu “tay không bắt giặc” như Công ty Thái Sơn tác oai, tác quái từ gói thầu này đến gói thầu khác?