Lãi suất 0%, vì sao người dân vẫn “găm” ngoại tệ?

Theo số liệu của Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 1/2016 chiếm 15,5% tổng lượng vốn huy động, tăng 14,8% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Quan ngại về nền kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng khiến mức độ găm giữ ngoại tệ chưa thể giảm
Quan ngại về nền kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng khiến mức độ găm giữ ngoại tệ chưa thể giảm

Hòa vào dòng người mua bán tấp nập, trước Tết Nguyên đán, chị Bùi Thị Thu ở Giảng Võ, Hà Nội sử dụng phần lớn số tiền được thưởng cuối năm vào việc mua ngoại tệ.

Khi được hỏi: “Sao chị vẫn nắm giữ ngoại tệ, khi hiện gửi ngân hàng lãi suất đã về 0%/năm?”, chị Thu cho biết: “Lãi suất gửi tiết kiệm ngoại tệ không phải là câu chuyện mà tôi quan tâm. Hiện mức độ khởi sắc của nền kinh tế vẫn còn chậm, nên việc giữ ngoại tệ là biện pháp giữ tiền an toàn về lâu dài. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ giữ tỷ giá ổn định đến hết quý I/2016, trong khi tỷ giá giao dịch đang thấp hơn khá xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015, nên phải tranh thủ mua luôn”.

Câu chuyện của chị Thu chắc chắn không phải là cá biệt, nếu nhìn vào số liệu thống kê của các cơ quan quản lý.

Cụ thể, theo báo cáo tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn Hà Nội tháng 2/2016 của NHNN-Chi nhánh TP. Hà Nội, tiền gửi ngoại tệ trên địa bàn như sau: tháng 12/2015 là 283.367 tỷ đồng, tháng 1/2016 là 271.085 tỷ đồng, tháng 2/2016 là 275.186 tỷ đồng.

Như vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, tiền gửi ngoại tệ có giảm một chút so với cuối năm 2015, tương ứng 4,33% và 2,89%, nhưng mức tăng vẫn tiếp diễn khi nhìn vào tháng 2/2016 tăng 1,51% so với tháng 1/2016.

Còn theo số liệu của Cục thống kê TP. Hồ Chí Minh, vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 1/2016 chiếm 15,5% tổng lượng vốn huy động, tăng 14,8% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Lý giải thêm về việc người dân vẫn nắm giữ ngoại tệ, lãnh đạo một ngân hàng phân tích, nếu nhìn vào lạm phát của cả năm 2015 chưa đến 1%, trong khi VND giảm giá khoảng 5% so với USD, thì việc người dân trong dịp cuối năm có nguồn tiền thưởng VND chuyển sang ngoại tệ hay có nguồn kiều hối về không chuyển sang VND nữa là điều dễ hiểu. Không ít người chấp nhận mất cơ hội hưởng lãi suất khoảng 5-7%/năm nếu chuyển sang VND chỉ vì nỗi lo thường trực là tỷ giá sẽ lại tăng.

“Khi nền kinh tế vẫn có những bất ổn, sẽ không thể thay đổi thói quen nắm giữ ngoại tệ của người dân. Trong khi đó, đồng tiền Việt Nam đã mất giá gần 40% trong 10 năm qua và thực tế vẫn theo xu hướng này khi giá trị thị trường thực của tiền đồng có thể cao hơn mức hiện tại”, vị lãnh đạo này nói.

Ở một góc độ khác, nhân viên giao dịch của VPBank tại Trung Hòa cho biết: “Một số người dân để ngoại tệ ở ngân hàng chủ yếu phục vụ mục đích thanh toán vãng lai, nên không để tâm đến vấn đề lãi suất. Tuy nhiên, cũng không ít người dân găm giữ ngoại tệ bởi kỳ vọng vào tỷ giá tăng”.

Từ các nhận định cho thấy, quan ngại về nền kinh tế vẫn chưa có nhiều điểm sáng khiến mức độ găm giữ ngoại tệ chưa thể giảm. Trong khi đó, Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) nhận định, tăng trưởng GDP năm 2015 tăng khá do khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tuy nhiên, tăng trưởng ngắn hạn (thành phần tăng trưởng do yếu tố chu kỳ) đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại từ quý IV/2015. Do vậy, UBGS cho biết, dựa trên phương pháp phân rã tăng trưởng thành tăng trưởng dài hạn và tăng trưởng do yếu tố chu kỳ dự báo, mức cải thiện về tăng trưởng năm 2016 sẽ không cao như năm 2015.

“Những thách thức đối với tăng trưởng là không nhỏ: xu hướng tăng chậm lại của khu vực nông sản, thủy sản và xuất khẩu nông sản; khu vực DN còn nhiều khó khăn; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn hạn chế; cổ phần hóa DNNN và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm...”, báo cáo của UBGS nhận định.

Báo cáo Tổng quan Việt Nam 2035, đồng thực hiện bởi Chính phủ Việt Nam và Nhóm Ngân hàng Thế giới cho biết, mức tăng năng suất lao động hiện tại chỉ có thể mang lại tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 4,0-4,5%/năm, thấp hơn nhiều so với mức 7%/năm cần thiết để gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Tăng trưởng năng suất đình trệ, các nhóm yếu thế chưa được quan tâm đầy đủ và sự suy thoái môi trường gia tăng thực sự là những điều đặc biệt đáng quan ngại.

“Chương trình cải cách sẽ không thành công chừng nào việc tăng năng suất chưa được cơ bản cải thiện. Tuy nhiên, những chương trình cải cách lớn lại đòi hỏi nhiều nguồn lực tài chính, trong khi bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp…”, Báo cáo 2035 cho biết.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Các chỉ số số học chính về kinh tế vĩ mô của Việt Nam được công bố chính thức đều tốt, nhưng đâu đó, người dân có sự nghi ngờ về độ chính xác ở mức độ bao nhiêu? Sự hoài nghi khiến người dân chưa có lòng tin vững chắc, do vậy, người dân vẫn ‘lận lưng’ bằng cách mua ngoại tệ hay vàng.

Vì vậy, mặc dù những năm qua NHNN luôn quán triệt phương châm xuyên suốt trong điều hành là từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ, nhưng chắc chắn, chặng đường này phía trước sẽ còn gặp nhiều khó khăn”.

Trao đổi với ĐTCK, TS. Lê  Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, để thị trường ngoại hối thực sự ổn định và người dân không còn găm giữ ngoại tệ, giải pháp tốt nhất là kiềm chế lạm phát, nhập siêu ở mức thấp để giảm áp lực lên tỷ giá.

Khi tỷ giá ổn định lâu dài, lòng tin vào đồng nội tệ tăng lên, tâm lý găm giữ ngoại tệ sẽ được giải tỏa, tất yếu nguồn cung sẽ được cải thiện do người dân sẽ đẩy mạnh bán ngoại tệ cho ngân hàng. Tỷ giá ổn định cũng sẽ khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, chảy vào Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục