Còn trên mặt bằng chung, ngoài lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đến thời điểm này vẫn chưa giảm. |
Giảm theo gói nhỏ
Agribank vừa thông báo từ ngày 15-3 đến 15-4, khách hàng có quan hệ tín dụng với NH tối thiểu 12 tháng được xếp loại A trở lên, có tăng trưởng dư nợ so với ngày 14-3-2018 và đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng theo quy định hiện hành của NHNN và của Agribank, khi vay vốn sẽ được giảm 0,1%/năm so với lãi suất cho vay tương ứng hiện hành. Còn SeaBank dành 1.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất chỉ từ 7,5%/năm cố định trong 3 tháng, từ 8%/năm cố định trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VNĐ và từ 3%/năm trong 6 tháng đối với các khoản vay ngắn hạn bằng USD.
Lãi suất là công cụ hữu hiệu để các NH huy động bù đắp thanh khoản. Các NH có lợi thế về thị trường sẽ giữ được lãi suất huy động ở mức thấp; các NH không có lợi thế sẽ tăng lãi suất để cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến chủ trương giảm lãi suất trên toàn hệ thống, chỉ có 5 lĩnh vực ưu tiên hoặc các NH lớn mới giảm lãi suất cho vay được nhờ thanh khoản luôn dồi dào.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính NH
Ngoài ra, các cá nhân sản xuất nông nghiệp trồng rau, hoa, quả được vay với hạn mức tín dụng lên tới 100 tỷ đồng, lãi suất chỉ 7,8%/năm trong 6 tháng đầu. HDBank áp dụng lãi suất 7,5%/năm cố định trong 3 tháng đầu, hoặc lãi suất 8,5%/năm cố định trong 6 tháng đầu.
Mặc dù các NH đang nỗ lực triển khai nhiều chương trình ưu đãi vay vốn, giúp người đi vay tiếp cận được vốn lãi suất rẻ hơn, nhưng thực tế các khoản này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu do đối tượng, lĩnh vực được ưu đãi vay vốn vẫn chủ yếu áp dụng cho các khách hàng được xếp hạng tốt.
Trong thông tin về hoạt động NH từ ngày 5 đến 9-3, NHNN cho biết hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đáng chú ý, nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch được áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn 4-5%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm. Trừ mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%, các mức lãi suất khác vẫn đứng yên.
Cần giảm giá đầu vào
Trong các tháng đầu năm, lợi suất trái phiếu các kỳ hạn 2, 3, 5, 7 và 10 năm trên thị trường thứ cấp có xu hướng giảm mạnh, hiện đã lần lượt về 2,648%/năm, 2,758%/năm, 3,07%/năm, 3,425%/năm và 4,163%/năm. Từ cuối tháng 1 đến nay, lãi suất liên NH cũng nối dài xu hướng giảm. Kết thúc tuần đầu tháng 3, lãi suất liên NH các loại kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần lần lượt giảm 0,29% và 0,49%.
Theo đó lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm về mức 0,91%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 1 tuần về mức 1,17%/năm, lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,49% về 1,44%/năm. Trong điều kiện bình thường, đây là yếu tố tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất huy động của các NH, từ đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, trong tháng 2, lãi suất huy động VNĐ bình quân kỳ hạn trên 12 tháng vẫn tăng 0,03%, ở mức khoảng 6,55%. Nguyên nhân xuất phát từ áp lực phải hút nhiều vốn của các NH. Theo đó, năm nay các NH đứng trước yêu cầu phải điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 50% về 45%.
Tuy vậy, từ đầu năm 2018 xu hướng cạnh tranh huy động tại các NH đã diễn ra sôi động khiến lãi suất huy động bị đẩy lên. Hơn nữa, các TCTD vẫn đang tiếp tục xu hướng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu với lãi suất cao, nhằm tăng vốn cấp 2 và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động. Điều này khiến khả năng hạ lãi suất cho vay bị hẹp lại.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay giảm phụ thuộc cung cầu, nếu nhu cầu vay cao lãi suất khó giảm. Đồng thời, lãi vay còn phụ thuộc giải pháp kiểm soát chi phí và mục tiêu lợi nhuận NH hướng đến. Muốn giảm lãi suất phải giải quyết được vấn đề này.
Dù NHNN đã xác định giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ trọng tâm của ngành NH, nhưng do đầu vào còn cao nên các NH khó hạ lãi suất đầu ra, chỉ có thể giảm theo gói tín dụng hoặc dành cho các khách hàng tốt. Hiện NHNN đã giảm lãi suất OMO từ 5%/năm xuống 4,75%/năm và sắp tới lãi suất huy động được kỳ vọng có thể sẽ hạ nhiệt, nhất là sau khi Thông tư 01/2018 của NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, các TCTD yếu kém được vay vốn ưu đãi từ NHNN với lãi suất 0% có hiệu lực.
Nếu các TCTD được kiểm soát đặc biệt tiếp cận nguồn vốn này sẽ giảm bớt áp lực huy động vốn, từ đó có thể điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào, giảm sự cạnh tranh lãi suất giữa các NH, điều kiện tiến tới giảm lãi suất cho vay sẽ mở rộng hơn.