Lãi suất còn tăng, doanh nghiệp thêm khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá vốn tín dụng đã tăng lên mức mới và dự báo sẽ còn cao hơn trong thời gian tới, khiến doanh nghiệp (DN) càng thêm khó khăn. Để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, bên cạnh việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí để giảm lãi vay, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện gói hỗ trợ lãi suất.
Tính đến ngày 23/9/2022, các tổ chức tín dụng mới giải ngân được khoảng 9.820 tỷ đồng trong gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Nhã Chi
Tính đến ngày 23/9/2022, các tổ chức tín dụng mới giải ngân được khoảng 9.820 tỷ đồng trong gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Nhã Chi

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành 1 điểm % vào ngày 23/9, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0,3 đến 1 điểm % tùy theo kỳ hạn và phương thức gửi tiền. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm hiện nay phổ biến ở mức 6,4% - 7,3%.

Về lãi suất cho vay, giám đốc một DN thương mại dịch vụ tại Hà Nội cho biết, ông vừa nhận được thông báo từ ngân hàng về việc hồ sơ xin vay vốn đã được phê duyệt, song mức lãi suất tăng 1 điểm % so với hợp đồng vay cũ. Do hạn hẹp về nguồn lực và cần có tiền cho đợt nhập hàng cuối năm, nên DN buộc phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.

Nhiều khách hàng chọn hình thức vay lãi suất thả nổi cũng đã nhận được thông báo từ ngân hàng về việc tăng lãi suất áp dụng từ đầu tháng 10/2022. Mức mới là 11%, thay vì dưới 10% của tháng trước.

TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, trong khi đang phải đối mặt với chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, nay lãi suất vay vốn ngắn hạn lại tăng khiến DN ở vào tình trạng “khó chồng khó”.

“Phản ánh đến Hiệp hội, một số DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho biết, thời gian qua, ở đầu vào, giá nhiều nguyên liệu tăng 30 - 50%, nhưng thành phẩm bán ra chỉ dám tăng giá 20% mà vẫn khó tiêu thụ. Nay DN chịu thêm áp lực lãi vay tăng sẽ làm cho giá thành sản phẩm tiếp tục tăng lên”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.

Điều đáng nói là, hầu hết các DN nước ta đều có chung tình trạng vốn mỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh được tài trợ chủ yếu bởi vốn vay, nên chỉ cần một động thái tăng nhỏ lãi suất cũng tạo nên tác động không nhỏ đến cộng đồng DN. Chưa kể, quý kinh doanh cuối cùng của năm 2022 vừa đến, các DN sẽ phải cân nhắc nhiều hơn giữa việc chấp nhận vay vốn lãi suất cao để mở rộng kinh doanh mùa Tết, hay cầm chừng sản xuất để ổn định chi phí.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VCBS, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã tăng 0,9 - 1,1 điểm %, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi so với giai đoạn dịch bệnh.

Cụ thể, đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021, trong khi tăng trưởng huy động chỉ đạt hơn 4%. Thực tế này có thể được lý giải do nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh đang tăng lên. Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đã tăng mạnh.

Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi một số yếu tố. Đó là, tác động từ việc NHNN nâng lãi suất điều hành; NHNN đã chính thức cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM; tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4,25 - 4,5% vào cuối năm 2022; USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Theo VNDirect, để bớt áp lực chi phí vốn cho DN, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho DN. Gói hỗ trợ có quy mô 40.000 tỷ đồng, nhưng đến ngày 23/9/2022, các tổ chức tín dụng mới giải ngân được khoảng 9.820 tỷ đồng.

Cũng dự báo về tương lai, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, mặt bằng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm còn tăng tiếp, bởi vì tình trạng huy động vốn từ đầu năm đến nay khá trầm so với mức tăng trưởng tín dụng. Từ nay đến cuối năm, ngân hàng cũng cần thêm vốn để đáp ứng nhu cầu vay của DN vào vụ kinh doanh cuối năm.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, để hỗ trợ DN phục hồi và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với DN. Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, để tạo động lực tăng trưởng bền vững, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro.

Liên quan đến đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất, NHNN cho biết đã thành lập các đoàn khảo sát liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai tại các NHTM và các địa phương, đồng thời với việc tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại các tỉnh, thành phố...

Tin cùng chuyên mục