Lãi suất thấp chưa “kích” được nhu cầu vay vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục giảm lãi suất điều hành là động thái tích cực góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ sự hồi phục của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2020 đạt 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 30/9, NHNN ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 và lần thứ 4 trong vòng 1 năm qua NHNN thực hiện giảm lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của năm nay rất “ì ạch” so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt 6,09%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,4% của cùng kỳ năm 2019.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng quý II đã nhanh hơn một chút so với quý I nhưng vẫn còn khó khăn do dịch bệnh tác động đến nhiều lĩnh vực. “Thời gian sắp tới, trong điều kiện kiểm soát tốt dịch, đặc biệt là hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp tích cực như hiện nay, thì dư nợ tín dụng trong năm nay có thể tăng khoảng hơn 9%. Việc hạ lãi suất cũng là một trong những lý do cơ bản quan trọng để tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng”, ông Tú nhấn mạnh.

Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KBSV, NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn giá rẻ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và định hướng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng, quyết định nêu trên của NHNN là hợp lý, nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho NHTM, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau lần hạ lãi suất điều hành này. Tuy nhiên, tốc độ sẽ không rõ rệt như trước đó do mặt bằng hiện đã duy trì ở mức thấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 0,5 - 2 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,5% - 4%/năm, đã thấp hơn mức trần mới 4%/năm của NHNN, do vậy dư địa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.

Xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở 6,0 - 7,0%. Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong 3 tháng cuối năm, KBSV kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm nhẹ.

Từ góc độ khác, bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt 8 - 10%, tức là có khoảng 150 - 320 nghìn tỷ đồng tín dụng tăng thêm trong quý IV/2020. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ở các NHTM lớn vẫn kém khả quan, lãi suất tiền gửi vẫn chịu áp lực giảm thêm từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm trong quý cuối năm.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện ở mức khá thấp, nếu có giảm thêm thì mức giảm không đáng kể.

“Thực chất, điểm nghẽn của tăng trưởng tín dụng từ lúc dịch Covid-19 bùng phát đến nay vẫn không phải là lãi suất mà là sức hấp thụ vốn. Các ngân hàng đang dồi dào thanh khoản nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thể vay nhiều vì cơ hội kinh doanh chưa nhiều. Mặt khác, việc tiếp tục giảm lãi suất có thể gây ra “tác dụng phụ” là khiến dòng tiền tích lũy trong dân cư chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang các kênh đầu tư khác”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhờ sức hồi phục của nền kinh tế và doanh nghiệp nên tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm nay và sang năm sau sẽ tốt hơn 3 quý đầu năm nay nhưng chưa thể tăng mạnh.

Tin cùng chuyên mục