Lãi suất vào thế khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước áp lực lạm phát tăng cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định nâng lãi suất điều hành dù động thái này có thể khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng. Đây cũng là bài toán khó với chính sách lãi suất ở Việt Nam khi vừa phải đối diện với rủi ro lạm phát tăng cao, vừa nỗ lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Đà tăng lãi suất huy động của ngân hàng thương mại sẽ tiếp diễn nếu không kiềm chế được lạm phát. Ảnh: LTT
Đà tăng lãi suất huy động của ngân hàng thương mại sẽ tiếp diễn nếu không kiềm chế được lạm phát. Ảnh: LTT

Ngày 16/3, FED quyết định tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, đồng thời cho biết có thể sẽ tiếp tục nâng lãi suất từ nay tới cuối năm. FED cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022 đạt 2,8%, giảm khá nhiều so với dự báo 4% hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát vào cuối năm nay ở Mỹ dự báo sẽ khoảng 4,3%, cao hơn nhiều tỷ lệ mục tiêu 2% được đưa ra trước đây. Lạm phát tháng 2 của Mỹ tăng 7,9%, đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982.

Đây là lần đầu tiên FED nâng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, khép lại giai đoạn ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bình luận về động thái này, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, FED và nhiều ngân hàng trung ương khác đã chấp nhận lựa chọn tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát dù tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điểm đáng ngại được giới nghiên cứu thế giới chỉ ra là nhiều nước có thể rơi vào tình trạng lạm phát trì trệ, tức là vừa lạm phát vừa tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng.

Với Việt Nam, nền kinh tế đang chịu tác động từ xu hướng tăng giá cả hàng hóa do bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine. Điều này một mặt làm lạm phát có xu hướng tăng cao, một mặt khiến tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân nhắc rất nhiều về cách thức điều hành lãi suất. Việc duy trì hoặc giảm lãi suất như định hướng đặt ra từ cuối năm 2021 sẽ khó có thể đạt được trong năm nay.

Trên cơ sở đánh giá diễn biến mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ trong thời gian qua, Bộ Tài chính dự báo CPI tháng 3 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng, CPI bình quân 3 tháng đầu năm có thể từ 2 - 2,1%. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,5% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

“Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5 điểm phần trăm ở các kỳ hạn, song lãi suất liên ngân hàng (do NHNN quyết định) vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, nếu lạm phát tiếp tục tăng thì đà tăng lãi suất huy động của ngân hàng thương mại sẽ còn diễn ra, tạo lực đẩy với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Hay nói cách khác, về ý chí, NHNN chưa muốn tăng lãi suất nhưng thực tế có cho phép duy trì hay không lại là chuyện khác”, ông Hiếu nói.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lạm phát tăng chắc chắn tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới bắt đầu chương trình tăng lãi suất. Nhưng tình thế có thể thay đổi do chiến sự Nga - Ukraine khó dự đoán, trở thành nhân tố rủi ro và thách thức mới đối với nền kinh tế thế giới vừa gượng dậy sau đại dịch. Một số ngân hàng trung ương nước lớn đã và đang phải cân nhắc lại tiến trình tăng lãi suất. Việt Nam cũng phải cân nhắc điều hành lãi suất thế nào cho phù hợp, vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.

Từ góc độ khác, nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, áp lực lạm phát khó có thể làm thay đổi chính sách tiền tệ của NHNN, ít nhất là trong nửa đầu năm với kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 với 3 lý do chính. Một là, mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân hai tháng đầu năm vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4%. Hai là, sức cầu trong nước còn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch. Ba là, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

VNDIRECT tin rằng NHNN sẽ không nâng lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và kỳ vọng NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở. Chẳng hạn như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Tin cùng chuyên mục