Một số bên mời thầu vẫn yêu cầu giấy phép bán hàng đối với máy tính, máy tính bảng, máy in…, những sản phẩm đã được tiêu chuẩn hóa và sẵn có trên thị trường. Ảnh: Tiên Giang |
Trong tháng 12/2021, nhiều gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng đang phát hành HSMT đều đưa ra yêu cầu này và khiến các nhà thầu bức xúc. Cụ thể, tại Gói thầu Mua sắm máy tính bảng cho đại biểu HĐND huyện khóa VI nhiệm kỳ 2021 - 2026 của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, HSMT nêu rõ: “Nhà thầu nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc nhà phân phối chính thức tại Việt Nam khi có yêu cầu của Bên mời thầu trước khi tiến hành ký kết hợp đồng để chứng minh khả năng cung ứng và sự hỗ trợ của hãng để bảo hành, bảo trì, duy tu, sửa chữa”.
Tại Gói thầu số 04 Mua sắm trang thiết bị phòng họp trực tuyến của UBND huyện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) do Văn phòng Huyện ủy và HĐND - UBND huyện Duyên Hải làm Chủ đầu tư, trong HSMT yêu cầu nhà thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có cam kết hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thi công lắp đặt và vận hành hệ thống, cam kết cung cấp CO/CQ; cam kết bảo hành theo tiêu chuẩn nhà sản xuất đối với các mặt hàng có yêu cầu dẫn chiếu tài liệu trong bảng.
Trong khi đó, Gói thầu Mua sắm trang thiết bị do Văn phòng UBND TP. Bà Rịa làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, HSMT cũng đưa ra yêu cầu này.
Theo các nhà thầu, Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước đã nêu rõ: “Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất”.
Thực tế, theo phạm vi cung cấp của các gói thầu nêu trên, hàng hóa mua sắm chủ yếu là thiết bị tin học văn phòng như: máy tính, máy tính bảng, máy in…, hoàn toàn đã được tiêu chuẩn hóa và sẵn có, được chào bán rộng rãi và bảo hành theo quy định chính hãng.
Theo phản ánh của một số nhà thầu, gần đây còn xuất hiện tình huống HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy phép bán hàng đối với hàng hóa thông dụng ở giai đoạn thương thảo hợp đồng. “Khi chưa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu thường nhận được cái lắc đầu của hãng, đại diện hãng phân phối với lý do hỗ trợ nhà thầu khác cũng tham gia gói thầu này. Do đó, dù xếp hạng thứ nhất, chỉ với biên bản thương thảo hợp đồng, nhà thầu cũng không thể xin được giấy phép bán hàng”, một nhà thầu cho biết.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chuyên gia Lê Văn Tăng cho rằng, việc đưa các tiêu chí chưa phù hợp quy định vào HSMT hiện chưa được xử lý nghiêm, dẫn tới tình trạng các chủ đầu tư, bên mời thầu bất chấp quy định, miễn là đạt mục đích làm khó nhà thầu.
Mặt khác, dù Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT đã quy định “trường hợp nhà sản xuất, các đại lý, nhà phân phối cố tình không cung cấp cho nhà thầu giấy phép bán hàng hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu có giá trị tương đương mà không có lý do chính đáng, không tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại và cạnh tranh, dẫn tới tạo lợi thế hoặc tạo sự độc quyền cho nhà thầu khác thì cần kịp thời phản ánh đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương để kịp thời xử lý”. Tuy vậy, số vụ việc được các nhà thầu mạnh dạn phản ánh đến các cơ quan thẩm quyền liên quan đến hành vi trên lại quá ít. Do đó, hành vi cấu kết, bắt tay giữa hãng và nhà thầu đã tạo nên tình trạng kém cạnh tranh tại các gói thầu mua sắm hàng hóa.