Làm gì để cản nợ công vượt trần?

(BĐT) - Dù cơ cấu nợ công của Việt Nam đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn, như đại diện Bộ Tài chính khẳng định, nhưng lúc này lo lắng về nguy cơ “vỡ nợ” cũng không phải là thừa và cần có giải pháp kịp thời để ứng phó với rủi ro vượt trần đang dần hiện hữu.
Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh gâp áp lực lên nợ công. Ảnh: Hoài Nam
Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh gâp áp lực lên nợ công. Ảnh: Hoài Nam

Áp lực chủ yếu từ nợ trong nước

Rất nhiều chỉ số, báo cáo, nhận định gần đây đang đặt ra những lo ngại về khả năng nợ công sắp vượt trần, thậm chí có thể ngay trong năm 2016. Tại phiên họp Chính phủ tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra, nợ công đến cuối năm 2016 có thể vượt mức trần cho phép. Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới WB mới đây cũng cảnh báo, nợ công của Việt Nam sẽ nhanh chóng chạm mức trần do luật quy định là 65% GDP. Báo cáo chuyên đề về nợ công của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt thì cho rằng, năm 2016 là “thời điểm nhạy cảm của nợ công”.

Trong một diễn đàn kinh tế do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng từng cảnh báo, trong tương lai ngắn hạn, rất có khả năng nợ công của Việt Nam sẽ tăng vượt ngưỡng 65% và khả năng trả nợ là rất khó khăn, xét trên những rủi ro về nợ công, quản lý nợ công và vấn về thâm hụt ngân sách. Bên cạnh đó, ông Thiên nhận định, đang xuất hiện xu hướng nội địa hóa nợ công, dựa vào trái phiếu chính phủ (TPCP) thay vì ODA. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh. 

Trong một báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, WB chỉ rõ, nợ công của Việt Nam tăng do thay đổi cơ cấu nợ. Việt Nam chủ yếu dựa vào nợ trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn. Phần lớn vốn huy động trong nước dựa vào phát hành TPCP với thời gian đáo hạn trung bình tương đối ngắn. Việc phát hành TPCP với kỳ hạn ngắn, lãi suất cao như vậy sẽ gây áp lực lớn lên khả năng trả nợ.

Ông Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cơ cấu nợ công chưa hợp lý khi vốn vay trong nước ngắn hạn chiếm tỷ lệ cao, lãi suất vay khá cao nhưng lại được sử dụng cho các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội có thời hạn thu hồi vốn dài, dẫn đến áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Hành động ngay trước khi đối diện nguy cơ “vỡ nợ”

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, nợ công tăng khoảng 12,2% GDP, từ mức 50% vào năm 2011 lên 62,2% vào cuối năm 2015. Cơ cấu nợ công đến cuối năm 2015 bao gồm nợ chính phủ chiếm 80,8%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 17,8% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,4%. Trong cơ cấu nợ chính phủ, tỷ trọng nợ trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015 và tỷ trọng nợ nước ngoài giảm từ 61% năm 2011 xuống còn 43% năm 2015.
Đánh giá về cơ cấu nợ công, ông Võ Hữu Hiển cho biết thêm, Bộ Tài chính đã phân tích về bền vững nợ công với WB, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và có nhận định rằng, cơ cấu nợ công của Việt Nam đang từng bước được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn.

Tuy nhiên, thời điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, không phải là sớm khi đưa ra giải pháp để ứng phó với rủi ro nợ công vượt trần. Trong đó, nhiều chuyên gia đồng quan điểm, không nên vung tay quá trán, nghèo nhưng lại “tiêu sang”, phải quyết liệt giảm chi thường xuyên. Theo ông Trần Đình Thiên, nợ công bị đe dọa bởi chi tiêu công, trong khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển có xu hướng giảm dần, thì tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng nhanh. 

Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt khuyến nghị, giải pháp chính giúp kiểm soát thâm hụt NSNN và nợ công trong thời gian tới là kiểm soát chi. Tỷ trọng chi thường xuyên trong NSNN đang ở mức rất cao, chiếm đến 82% tổng chi trong năm 2015, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% trong năm 2010.

Ông Trần Văn khuyến nghị, cần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vốn vay; bảo đảm nợ công trong giới hạn và thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ làm tăng tổng mức đầu tư, chi phí lãi vay, kéo dài thời gian thu hồi vốn, tạo thêm gánh nặng trả nợ.

Về phía Bộ Tài chính, ông Võ Hữu Hiển Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, nợ công không thể giảm ngay trong “một sớm một chiều” mà cần phải có lộ trình theo hướng phải giám sát kiểm soát kỹ các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ danh mục đầu tư công và chỉ tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt cần sự đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết cắt giảm bội chi NSNN theo lộ trình; tiếp tục giảm bảo lãnh Chính phủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước nhằm tăng nguồn vay trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Tin cùng chuyên mục