Lạm phát năm 2024: Nhận diện các tác động chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa có nhiều yếu tố đáng ngại với mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, song cần cẩn trọng và có kịch bản ứng phó với những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4 - 4,5%
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4 - 4,5%

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vừa được thông qua trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Quốc hội yêu cầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2024 được đặt mục tiêu kiểm soát ở mức 4 - 4,5%.

Với diễn biến lạm phát từ đầu năm 2023 đến nay và dự báo về các biến động kinh tế thế giới, nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2024 ở nước ta không quá nặng nề, song không thể chủ quan.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.

Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, tăng học phí và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% so với tháng trước.

So với năm trước, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm có xu hướng giảm dần, từ tháng 7 theo xu hướng tăng trở lại, cho đến tháng 10 xu hướng đổi chiều giảm nhưng chậm. Trong 11 tháng năm 2023, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 11 tăng 3,45%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm, từ mức giảm 7,08% trong tháng 1/2023 đã giảm mạnh 31,73% trong tháng 6/2023, đến tháng 11, giá xăng dầu giảm 0,11% so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhiên liệu và lương thực được coi là hai yếu tố có thể ảnh hưởng tới công tác kiểm soát lạm phát năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Giá nhiên liệu và lương thực được coi là hai yếu tố có thể ảnh hưởng tới công tác kiểm soát lạm phát năm 2024. Ảnh: Lê Tiên

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm đến nay, lạm phát được kiểm soát tốt và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu cả năm 2023 dưới 4,5%. Về năm 2024, theo ông Thành, có nhiều yếu tố thuận lợi đang hỗ trợ mục tiêu kiểm soát lạm phát. Trong đó, đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nền kinh tế trên thế giới có xu hướng giảm, góp phần hạ nhiệt mặt bằng giá hàng hóa nhập khẩu.

Cụ thể, theo số liệu vừa được công bố đầu tháng 12/2023, lạm phát khu vực Eurozone đã giảm xuống mức 2,4% trong tháng 11 vừa qua, từ mức 2,9% trong tháng trước đó. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp lạm phát giảm. Số liệu Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 14/11 cũng cho thấy, CPI của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này giảm so với 3,7% của tháng 9 và chậm hơn dự báo của các nhà kinh tế học.

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, trước các diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, thị trường nguyên, nhiên, vật liệu vẫn có thể tăng giá trong năm 2024. Do đó, không thể chủ quan trong công tác điều hành giá cả, kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần chú trọng điều tiết cung - cầu hàng hóa, kiểm soát dòng tiền tín dụng trong nền kinh tế để tránh tình trạng dòng vốn giá rẻ đổ vào những kênh đầu cơ.

Từ khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) cho rằng, cần quan sát và kiểm soát lực đẩy từ đà tăng lương trong thời gian tới. Cụ thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, lương công chức, viên chức sau khi được tăng 32% từ ngày 1/7/2024 sẽ tiếp tục được tăng thêm 7% vào hằng năm, một số trường hợp được tăng lương hưu.

“Việc tăng lương phải song hành với kiềm chế lạm phát bởi những năm qua, mức điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức, viên chức không theo kịp sự tăng giá các mặt hàng trên thị trường. Nếu tăng lương mà không áp dụng song hành các biện pháp kiềm chế lạm phát thì ý nghĩa của việc tăng lương không bảo đảm”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý.

Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, tăng giá điện và tăng lương là những yếu tố cần quan tâm trong công tác kiểm soát lạm phát năm 2024, song không đến mức quá đáng ngại bởi diện tăng lương không quá lớn, quan trọng là không để tình trạng lạm phát kỳ vọng từ việc này xảy ra, việc tăng giá điện đã tác động đến nền kinh tế trong năm 2023 và sẽ chỉ còn tác động nhỏ trong năm 2024.

Theo ông Thịnh, hai nhóm mặt hàng cần chú trọng theo dõi trong năm 2024 là nhiên liệu và lương thực. Với nhiên liệu, điều đáng mừng là giá dầu có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Về giá lương thực, dù một số ý kiến cho rằng giá lương thực có thể tăng trong năm 2024, song Việt Nam là nước sản xuất lương thực khá tốt nên có nguồn lực để kiểm soát giá cả mặt hàng này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý: “Trong năm 2024, các diễn biến bất thường của kinh tế thế giới có thể còn tiếp tục xảy ra và gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là yếu tố đáng ngại nhất với công tác kiểm soát lạm phát. Do đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ, làm tốt công tác dự báo về xây dựng phương án ứng phó phù hợp với các biến động của kinh tế thế giới, đặc biệt biến động của các nền kinh tế lớn… Đồng thời, tiếp tục phối hợp hiệu quả trong việc điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để kiểm soát tốt lượng cung tiền ra nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát”.

Tin cùng chuyên mục