Lấy ý kiến về xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế vừa công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế (TTBYT) tại các cơ sở y tế công lập để lấy ý kiến hoàn thiện nội dung với thời hạn góp ý là đến ngày 6/6/2023.
Việc lấy báo giá TTBYT dựa trên tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn đã được Hội đồng khoa học xác định được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm TTBYT giá rẻ nhưng chất lượng kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Việc lấy báo giá TTBYT dựa trên tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn đã được Hội đồng khoa học xác định được kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm TTBYT giá rẻ nhưng chất lượng kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Về cơ bản, Dự thảo Thông tư nhằm cụ thể hóa quyết nghị của Chính phủ trong Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 về việc xây dựng giá gói thầu TTBYT trong năm 2023 (thời hạn hoàn thành xây dựng Thông tư là quý II/2023). Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư còn bổ sung thêm một số nguyên tắc xây dựng giá gói thầu, hồ sơ mời thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT).

Cụ thể, theo Dự thảo Thông tư, khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại TTBYT nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, CĐT/BMT xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện việc xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

CĐT/BMT có thể xác định giá gói thầu căn cứ vào giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp; hoặc giá trúng thầu của gói thầu mua sắm TTBYT tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trong đó, giá thị trường được tham khảo từ báo giá của các nhà cung cấp theo một trong 2 hình thức.

Một là căn cứ trên tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn đã được Hội đồng khoa học xác định, CĐT/BMT tổ chức lấy báo giá bằng cách gửi thông báo mời chào giá (quy định cụ thể các nội dung, thông tin: thời hạn báo giá, yêu cầu kỹ thuật, khả năng cung cấp, phương thức nhận, địa chỉ nhận của đơn vị yêu cầu báo giá) lên một trong các cổng thông tin điện tử như: Cổng thông tin điện tử của đơn vị; Cổng thông tin điện tử mua sắm công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (https://muasamcong.mpi.gov.vn); Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế hoặc cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý TTBYT (https://dmec.moh.gov.vn); Cổng kê khai giá TTBYT (https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn). Thời gian đăng tải thông báo mời chào giá tối thiểu là 10 ngày. Hết thời gian thông báo mời chào giá, CĐT/BMT căn cứ số báo giá nhận được để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Trường hợp chỉ có một hoặc hai nhà phân phối hoặc doanh nghiệp (nhà phân phối) cung cấp báo giá thì CĐT/BMT được sử dụng các báo giá đã nhận để làm cơ sở xây dựng giá gói thầu.

Trong trường hợp này, để tăng cường trách nhiệm giải trình, Dự thảo Thông tư yêu cầu, CĐT/BMT phải có thuyết minh cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan trong quá trình xây dựng giá gói thầu; phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác.

Hai là CĐT/BMT được phép lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối trong trường hợp chỉ có một nhà phân phối duy nhất hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền mà không thể mua được từ nhà phân phối khác.

Đối với hồ sơ mời thầu quy định nội dung nhà thầu trúng thầu vật tư, hóa chất có trách nhiệm cung cấp TTBYT để sử dụng vật tư, hóa chất, thì nhà thầu trúng thầu phải cung cấp TTBYT theo đúng yêu cầu tại hồ sơ mời thầu. Về nguyên tắc, yêu cầu của CĐT/BMT trong hồ sơ mời thầu phải đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh trong đấu thầu, tránh hướng đến một nhà thầu hoặc số ít nhà thầu hoặc chỉ định thầu; và chỉ được thực hiện hợp đồng không quá 24 tháng.

Nghị quyết số 30/NQ-CP nói chung và Dự thảo Thông tư nêu trên nói riêng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các vướng mắc trong cách xác định giá gói thầu mua sắm TTBYT trong thời gian qua như: có những gói thầu không thể tìm được 2 - 3 báo giá vì nhà phân phối độc quyền, hoặc không có thẩm định giá…, trong khi CĐT/BMT không được giao quyết định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; hay trong vòng 90 ngày gần nhất, không có giá trúng thầu của TTBYT tương tự…

Để lựa chọn được TTBYT có chất lượng, tránh mua sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng kém như trường hợp “dao mổ rạch 3 lần mới qua da”, Nghị quyết số 30/NQ-CP và được cụ thể hóa tại Dự thảo Thông tư cho phép CĐT/BMT giao Hội đồng khoa học của đơn vị xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn để tổ chức lấy báo giá.

Tuy nhiên, để các quyết nghị này đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm có văn bản hướng dẫn thực thi.

Tin cùng chuyên mục