Thương vụ bán vốn tại Công ty CP Tico đã đem về cho Liksin khoản lợi nhuận gần 300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi st |
Lãi lớn nhờ hoạt động đầu tư
Liksin vừa công bố báo cáo tài chính niên độ 2016 với nhiều kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, dù doanh thu của Công ty chỉ đạt 1.272 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2015, nhưng lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 426 tỷ đồng và 347 tỷ đồng, tăng tương ứng gần 124% so với năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản bình quân và trên vốn chủ sở hữu lần lượt là 21,8% (tăng 130%) và 36,8% (tăng 120%).
Đóng góp một phần cho kết quả kinh doanh ấn tượng này của Công ty là do hiệu quả quản lý chi phí giá vốn. Trong khi doanh thu thuần giảm tới 11% thì giá vốn hàng bán năm 2016 giảm tới gần 14%. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất lại đến từ hoạt động tài chính khi lợi nhuận hoạt động tài chính trong năm 2016 tăng từ 128 tỷ đồng lên gần 369 tỷ đồng (tăng 171%). Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 144 tỷ đồng lên 384 tỷ đồng (166%), còn chi phí hoạt động tài chính chỉ duy trì ở mức thấp như năm 2015 là 15 tỷ đồng.
Không mấy ngạc nhiên khi đóng góp cho kết quả kinh doanh 2016 ấn tượng của Liksin là từ bán vốn. Năm 2015, lãi ròng của Liksin đạt 213 tỷ đồng, tăng 75% so với năm 2014 cũng nhờ việc thoái toàn bộ vốn khỏi 5 doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến thương vụ đình đám thoái vốn khỏi Công ty CP Cao su Kymdan với mức giá kỷ lục: 1.072.000 đồng/CP (mệnh giá 100 nghìn đồng), thu về tương đương 65,7 tỷ đồng.
Được biết trong năm 2016, Liksin đã bán vốn tại 4 công ty con: Tico, In và Phát hành sách Lâm Đồng, Máy An Phát, và Công ty CP Bao bì Liskin Phương Bắc, đồng thời thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Nam Đô và Nhựa Tân Tiến. Trong đó thương vụ đình đám nhất của Liksin phải kể đến là việc bán toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần (tương ứng 82,21% vốn điều lệ) tại Công ty CP Tico với mức giá bình quân là 64.000 đồng/CP (cao gấp 6,4 lần mệnh giá) và thu về tới tận 341 tỷ đồng. Như vậy, với giá vốn đầu tư được ghi nhận là 44,5 tỷ đồng thì Liksin đã thu về khoản lợi nhuận gần 300 tỷ đồng. Các thương vụ còn lại Liksin chỉ bán một phần vốn góp với giá cao hơn mệnh giá.
Tiếp tục thoái vốn
Một điểm đáng chú ý là mặc dù doanh thu thuần giảm tới 11%, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng của Liksin lại tăng lần lượt 7% và 8%. Có lẽ đây là lý do khiến kết quả lợi nhuận từ kinh doanh bán hàng năm 2016 của Liksin chỉ đạt 46 tỷ đồng so với 53 tỷ đồng năm 2015.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chính của Liksin có thể sẽ khởi sắc hơn trong thời gian tới. Theo báo cáo được công bố, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Công ty tăng từ 1 tỷ đồng lên 92 tỷ đồng. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy trong năm 2016, Liksin đã mở rộng sản xuất, kinh doanh thông qua đầu tư vào máy thổi tạo màng 9 lớp CTR 173 và xây dựng nhà xưởng An Khang. Tiền chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn tăng từ 44 tỷ đồng lên 104 tỷ đồng. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy Liksin có xu hướng tập trung đầu tư phát triển mảng kinh doanh cốt lõi.
Trong năm 2017, Liksin có kế hoạch bán đấu giá cổ phần sở hữu tại Công ty CP Sơn Bạch Tuyết. Trong thương vụ này Liksin sẽ chào bán 241.500 cổ phần với giá khởi điểm lên tới 210.965 đồng/CP. Nếu thương vụ thành công, số tiền Liksin thu về tối thiểu đạt 51 tỷ đồng, trong khi giá vốn khoản đầu tư này được ghi nhận ở mức 24,2 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 26,8 tỷ đồng. Ngoài ra, trong báo cáo tài chính của Liksin cũng có khoản mục các khoản đầu tư sẵn sàng để bán có phần vốn góp ghi nhận là gần 73 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của Liksin, số dư tiền và tương đương tiền (bao gồm tiền mặt và các khoản tiền gửi vô thời hạn hoặc kỳ hạn dưới 3 tháng) của doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2015 lên tới 320 tỷ đồng. Trong khi đó tổng vay ngắn hạn và dài hạn là 240 tỷ đồng. Có vẻ Liksin coi việc giữ tiền mặt hoặc gửi tiền ngân hàng là một giải pháp an toàn, tình trạng khá phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước.