Hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đã khởi sắc hơn. Ảnh: Nhã Chi st
Nhiều thông tin liên quan đến việc lựa chọn cổ đông chiến lược là Công ty CP Xuất nhập khẩu và đầu tư Thừa Thiên Huế (Unimex - Huế) trong đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn đã dần được hé lộ.
Unimex - Huế là ai?
Tiền thân là Công ty Ngoại thương Thừa Thiên Huế, được thành lập từ năm 1976, Unimex được cổ phần hóa vào tháng 9/2004. Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, hoạt động kinh doanh của Công ty không mấy nổi bật và liên tục thua lỗ. Tính đến cuối năm 2015, Unimex - Huế đã ghi nhận mức lỗ lũy kế lên tới 12,77 tỷ đồng (mất 75% vốn điều lệ). Điều thần kỳ đã xảy ra khi doanh nghiệp này tăng trưởng chóng mặt về cả doanh thu và lợi nhuận trong năm 2016. Cụ thể, doanh thu 2016 đạt trên 130 tỷ đồng (tăng gấp 2 lần so với năm 2015) và lợi nhuận sau thuế đạt 46.3 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Unimex - Huế đã thực hiện tăng vốn từ 17,35 tỷ đồng lên 95 tỷ đồng thông qua phương thức phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu. Vậy vì lý do gì mà một doanh nghiệp có biên lợi nhuận kinh doanh khá cao như vậy không đầu tư vào mở rộng sản xuất mà lại sẵn sàng chi một lượng tiền khá lớn (chiếm trên 20% tổng tài sản) để trở thành cổ đông chiến lược của BBT - công ty đã mất đến ¾ vốn điều lệ do thời gian dài kinh doanh thua lỗ?
Mục đích thâu tóm nhiều khả năng là do sự cải thiện đáng kể trong hoạt động sản xuất kinh doanh của BBT trong thời gian gần đây. Công ty đã khắc phục được khoản lỗ lũy kế trong mấy năm trước, giúp đưa vốn chủ sở hữu từ con số âm lên dương trên 2 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2016. Bên cạnh đó, trong quý I/2017, công ty liên kết của BBT là Công ty TNHH Địa ốc Tân Phú đã được cấp phép xây dựng khu nhà ở Nguyễn Văn Săng, Tân Phú với quy mô 5.000 m2. Với vị trí khá đẹp, dự án này được kỳ vọng sẽ giúp BBT giải quyết được khá nhiều vấn đề liên quan đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Mâu thuẫn lợi ích cổ đông
Nhiều cổ đông cá nhân không mặn mà với sự xuất hiện của đối tác chiến lược Unimex trong khi hoạt động kinh doanh của BBT ngày càng khởi sắc. ĐHĐCĐ thường niên của BBT phải triệu tập đến lần thứ 3 mới được tổ chức thành công với nhiều ý kiến bức xúc liên quan đến quá trình công bố thông tin mời gọi đối tác chiến lược và nhu cầu vốn thực sự của Công ty. Để tổ chức thành công, BBT đã vi phạm những vấn đề liên quan đến quản trị công ty, công bố thông tin.
Theo báo cáo giải trình về các nội dung vi phạm nêu tại Văn bản số 6425/UBCK-TT ngày 26/9/2017 của UBCKNN thì BBT đã vi phạm hầu hết các vấn đề liên quan đến quản trị công ty, công bố thông tin và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Cụ thể, đối với hoạt động quản trị công ty, BBT đã vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 139, Khoản 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp và Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 121/2012/TT-BTC liên quan đến quá trình chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ khi Công ty gửi thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2017 lần 3 chưa bảo đảm thời gian chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc 9/6/2017. Liên quan đến hoạt động công bố thông tin, BBT thường xuyên vi phạm quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 155/2015/TT-BTC về việc đăng tải thông tin trên website để làm cầu nối thông tin, báo cáo đến cổ đông.
Mong ước BBT trở lại sàn UPCoM để chịu sự kiểm soát của UBCKNN nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông cá nhân có lẽ khó thành hiện thực khi Công ty tiếp tục vi phạm quy định về đăng ký giao dịch trên UPCoM sau khi có Văn bản số 20/CV-BBT đề nghị Trung tâm Lưu ký chứng khoán chốt danh sách cổ đông vào ngày 22/8/2017 để thực hiện giao dịch cổ phiếu trên UPCom. Điều kiện giao dịch trên UPCoM khá dễ dàng, thế nhưng Ban lãnh đạo BBT vẫn vướng phải những quy định liên quan đến đăng ký giao dịch. Phải chăng nhóm cổ đông lớn của Công ty đang tập trung vào việc nắm quyền kiểm soát và chưa mặn mà lắm với việc trở lại Sàn chứng khoán tập trung.