Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Giá trúng thầu chênh lệch lớn
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Trưởng ban Ban Dược và Vật tư y tế thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, qua kiểm tra đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa phát hiện hiện tượng không thực hiện đúng quy định. Bên mời thầu không quy định rõ xuất xứ nguồn gốc vật tư y tế, cũng không chia thành các nhóm theo cùng chủng loại, không phân loại vật tư, mà đưa tất cả vào chung một gói thầu.
“Không có nhà thầu nào đáp ứng được gói thầu “hổ lốn” như vậy bởi mỗi doanh nghiệp chỉ có thể cung ứng một vài loại vật tư. Hệ quả là Công ty Dược Thanh Hóa trúng thầu toàn bộ. Chỉ xét riêng việc nhà cung cấp phải đi gom vật tư về cung cấp lại cho Bệnh viện thì đương nhiên giá đã cao rồi” - bà Yến phân tích.
Cũng tại Bệnh viên Đa khoa Thanh Hóa, có 14 loại stent động mạch vành sử dụng trong điều trị bệnh tắc hẹp động mạch vành có giá trúng thầu cao hơn nhiều so với giá trúng thầu tại các tỉnh khác. Ví dụ như loại stent Biomine có giá trúng thầu là 51,4 triệu đồng, trong khi giá trúng thầu tại Hà Nội chỉ là 37 triệu đồng, dẫn đến tổng chi phí chênh lệch lên đến gần 600 triệu đồng.
Một loại stent khác do Minvasys sản xuất có giá trúng thầu tại Thanh Hóa là hơn 52 triệu đồng, trong khi giá trúng thầu tại Ninh Bình chỉ là 35 triệu đồng, chi phí tăng thêm lên đến hơn 500 triệu đồng. Chỉ riêng với loại vật tư stent này, tổng chi phí chênh lệch đã lên tới gần 3,9 tỷ đồng. Đó là chưa kể nhiều loại vật tư khác.
Cũng vẫn vật tư này, cùng một loại, tại các bệnh viện khác nhau trên cùng một địa phương là TP.HCM, giá trúng thầu cũng có chênh lệch. Bệnh viện 175 có giá trúng thầu là 40 triệu đồng, trong khi ở Bệnh viện Thống Nhất giá trúng thầu lên tới 45 triệu đồng.
Tại Bệnh viện Quân y 5, một số mặt hàng đông y có giá trúng thầu cao bất thường so với một số địa phương khác. Ví dụ như Phụ tử chế, giá trúng thầu là 1.092 đồng/gr, trong khi giá trúng thầu ở Sở Y tế tỉnh Ninh Bình chỉ có 304,5 đồng/gr, như vậy cao hơn gấp đôi; Xuyên khung trúng thầu với giá 798 đồng/gr so với giá trúng thầu ở Sở Y tế Ninh Bình chỉ là 231 đồng/gr, dẫn đến tổng chi phí tăng lên hơn 48 triệu đồng. Tổng chi phí chênh lệch của 36 mặt hàng đông y là hơn 451 triệu đồng.
Tại nhiều địa phương, tổng chi phí chênh lệch giá do thanh toán thuốc cao hơn giá trúng thầu trung bình lên tới nhiều tỷ đồng. Ví dụ như ở Hà Giang là 9,6 tỷ đồng; ở Bình Định là hơn 9 tỷ đồng; ở Hải Dương là 8,6 tỷ đồng... Tổng cộng tại 31 địa phương, số chênh lệch là hơn 121 tỷ đồng.
Yêu cầu nhà thầu giảm giá
Theo bà Nguyễn Thị Yến, không thể đòi hỏi giá trúng thầu ở các địa phương là như nhau, bởi do vị trí địa lý, do địa bàn hoạt động của nhà cung cấp. Các tỉnh miền núi xa xôi, chi phí vận chuyển cao hơn thì giá trúng thầu sẽ phải cao hơn. Hoặc là do yếu tố mua nhiều sẽ rẻ hơn mua ít. Tuy nhiên, giá trúng thầu không thể chênh lệch quá lớn như các trường hợp nêu trên.
“Nhìn chung giá trúng thầu không thể như nhau, nhưng chênh lệch phải có sự hợp lý. Qua phân tích kết quả lựa chọn nhà cung cấp vật tư y tế cho thấy nhiều địa phương không phải là khu vực vận chuyển xa xôi như tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Ninh, giá trúng thầu bình quân vẫn cao hơn giá trung bình toàn quốc” – bà Yến chỉ rõ.
Được biết, đối với trường hợp ở Phú Thọ, qua rà soát, Bệnh viên Đa khoa Phú Thọ đã làm việc với nhà thầu và nhà thầu đồng ý giảm giá, qua đó giảm chi được 2 tỷ đồng.
Đối với Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, bà Nguyễn Thị Yến cho biết, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ để kịp thời báo cáo và trao đổi với nhà thầu để có giá phù hợp hơn.
Cần quản lý chặt thuốc biệt dược gốc
Theo kết quả đấu thầu tập trung của 59 tỉnh và thành phố năm 2016, tổng giá trị trúng thầu là 29,65 ngàn tỷ đồng, tương ứng với 8.371 mặt hàng trúng thầu, trong đó có khoảng 600 mặt hàng là biệt dược gốc (chiếm 25% tổng giá trị thuốc đấu thầu).
Các thuốc biệt dược gốc tham gia đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu nên hầu hết đều trúng thầu, giá thuốc cao. Một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế, có giá chênh lệch gấp nhiều lần so với các thuốc Nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng trên thị trường.