Tại Hà Nội, việc đấu thầu cung ứng các dịch đô thị mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chừng nào những người thực hiện chưa thay đổi tư duy về cách thức quản lý dịch vụ công, về sự hài lòng của người sử dụng thì việc đưa ra đấu thầu rộng rãi các dịch vụ này còn khó được áp dụng.
Lợi ích nhóm trong dịch vụ công ích
Báo cáo kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách thuộc HĐND TP. Hà Nội về công tác duy trì vệ sinh môi trường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn TP. Hà Nội từ năm 2011 đến nay cho biết, theo quy định, việc lựa chọn đơn vị cung ứng các dịch vụ đô thị phải ưu tiên thực hiện theo phương thức đấu thầu; trường hợp không thể đấu thầu được thì mới thực hiện theo phương thức đặt hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, các dịch vụ đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội hiện vẫn chủ yếu được thực hiện theo phương thức đặt hàng; còn việc đấu thầu là rất hạn chế. Thực trạng này khiến cho tính cạnh tranh trong lựa chọn đơn vị cung cấp các dịch vụ đô thị tại Thành phố không cao, tiết kiệm chi các dịch vụ này vì thế cũng không nhiều.
Thực tế, đấu thầu cung ứng các dịch đô thị mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Chỉ riêng đấu thầu duy trì vệ sinh môi trường tuyến đường Vành đai 3 trên cao (gồm 2 đoạn) đã góp phần giảm giá gói thầu so với giá dự toán tính theo quy trình, định mức, đơn giá của Thành phố ban hành để áp dụng cho đặt hàng tới 31,8%. Đặc biệt hơn, tại gói thầu duy trì vệ sinh môi trường tại khu đô thị, trong quá trình đấu thầu, đã có doanh nghiệp đề nghị giảm giá tới 25% giá gói thầu so với giá mà Thành phố đang đặt hàng.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), muốn đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong cung ứng dịch vụ công thì phải mở rộng tối đa việc đấu thầu các loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, do lĩnh vực này còn bị ảnh hưởng bởi cơ chế quản lý kinh tế bao cấp, nên những người thực hiện vẫn tìm nhiều cách để hạn chế việc đưa các dịch vụ này ra đấu thầu, vận hành theo cơ chế thị trường.
Cũng theo ông Cung, trong cung ứng dịch vụ công ích hiện vẫn tồn tại nhóm lợi ích. Đó là lợi ích của những doanh nghiệp nhà nước lâu nay vẫn cung ứng dịch vụ công ích theo cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch nên không muốn đưa ra đấu thầu. Đó là chưa kể, trong cung ứng loại dịch vụ này còn có lợi ích của các cơ quan nhà nước có liên quan khi các dịch vụ được thực hiện theo cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch. “Vì thế, mặc dù chính sách có quy định phải đưa các loại dịch vụ này ra đấu thầu, nhưng những người thực hiện vẫn muốn duy trì nếp cũ là đặt hàng và giao kế hoạch, thậm chí, bằng cách này hay cách khác “lách” việc phải đấu thầu dịch vụ công ích”, ông Cung cho biết.
Bắt đầu từ thay đổi tư duy
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, dù đã có thay đổi về căn bản trong quy định về cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích nhưng phương thức quản lý của các cơ quan nhà nước vẫn chậm đổi mới, cứng nhắc. Điều này thể hiện ở việc các đơn vị cung ứng phải thực hiện đúng quy trình đã xác định; nếu thay đổi sẽ không được nghiệm thu, thanh toán, cho dù thay đổi có làm cho chất lượng dịch vụ tốt hơn, chi phí rẻ hơn.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trì hoãn đưa dịch vụ công ích ra đấu thầu, đến gần hơn với cơ chế thị trường. Trong đó, một nguyên nhân mấu chốt, quan trọng là chưa có sự thay đổi tư duy, cách thức quản lý dịch vụ công. “Hiện nay, chúng ta vẫn quản lý dịch vụ công theo cơ chế đầu vào sản phẩm như: ca máy, nhân công…, mà không quản lý theo đầu ra của sản phẩm, là chất lượng của dịch vụ được cung ứng, hiệu quả đầu tư và sự hài lòng của người sử dụng” – ông Cung nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện CIEM, đã đến lúc cần mạnh dạn cho tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công ích để cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Đó là giải pháp cần thiết nhằm cân bằng lợi ích của các bên liên quan trong cung ứng dịch vụ công, đồng thời tạo điều kiện để cho kinh tế tư nhân lớn lên, khẳng định vai trò thực sự trong nền kinh tế.