Lợi nhuận tăng mạnh, cổ phiếu nhà băng tạo sóng

(BĐT) - Năm 2017 chưa kết thúc nhưng có thể coi là một năm thành công của các nhà băng. Cổ phiếu "vua" một thời đang được hưởng lợi nhờ sự hồi phục của nền kinh tế và dư địa tăng trưởng tín dụng rộng rãi. 
Lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong quý IV/2017. Ảnh: Lê Tiên
Lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong quý IV/2017. Ảnh: Lê Tiên

Với việc tăng trưởng tín dụng quý IV ở mức 10 - 11% để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 21%, lợi nhuận ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong quý cuối năm.

Cổ phiếu ngân hàng thăng hoa

Phiên giao dịch ngày 17/10 chứng kiến sự “bùng nổ” của cổ phiếu ngân hàng khi  giá và  khối lượng giao dịch tăng đột biến so với các phiên trước đó. Cụ thể, 3,06 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB), 5,85 triệu cổ phiếu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV, mã chứng khoán BID) và 3,03 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG)... được sang tay. Khối lượng cổ phiếu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khớp lệnh trên sàn giảm nhưng lại có tới 74,6 triệu đơn vị được chuyển nhượng thỏa thuận giữa các nhà đầu tư nước ngoài.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/10, thanh khoản cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn được duy trì với 3,05 triệu cổ phiếu VCB, 3,87 triệu cổ phiếu BID, 3,8 triệu cổ phiếu CTG và 2,2 triệu cổ phiếu ACB.

Tính từ đầu năm đến ngày 18/10, giá cổ phiếu của các ngân hàng đều tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, giá cổ phiếu CTG tăng gần 31% (từ 14.890 đồng lên 19.500 đồng/CP), cổ phiếu BID tăng gần 46% (từ 14.680 đồng lên 21.400 đồng/CP), cổ phiếu EIB tăng 22% (từ 9.450 đồng lên 11.550 đồng/CP), cổ phiếu ACB tăng từ 19.000 đồng lên 32.900 đồng/CP (hơn 73%), cổ phiếu VCB tăng từ 36.460 đồng lên 40.700 đồng/CP. 

Lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài mới nhất do Vụ Dự báo thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 9/2017, 89% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%, điều chỉnh tăng nhẹ so với kỳ vọng của các TCTD tại cuộc điều tra tháng 6/2017 (13,22%). Trong đó, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%.
Có thể thấy sức hấp dẫn của cổ phiếu ngành ngân hàng chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan. Mặc dù nhiều ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý III, song theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là kết quả sẽ rất khả quan. Cụ thể, theo SSI, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 9 tháng đầu năm ước đạt 1.246 tỷ đồng, của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đạt khoảng 3.900 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái), của ACB ước trên 2.000 tỷ đồng (tăng hơn 60%). Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng vừa công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế hết tháng 9/2017 đạt 5.635 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng trong quý IV/2017 nếu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 21%.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 21 - 22% từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng còn phải tăng trưởng tín dụng thêm 10 - 11%, tương đương việc đưa ra thị trường thêm khoảng 600.000 tỷ đồng vốn. Nhu cầu tín dụng của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, riêng lĩnh vực chứng khoán và bất động sản là những “cái thùng không đáy”. Vì vậy, 3 tháng cuối năm đẩy ra 600.000 tỷ đồng thì nền kinh tế vẫn hấp thụ được và lợi nhuận ngành ngân hàng quý cuối năm chắc chắn rất cao.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, mục đích tăng trưởng tín dụng 21% nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Nhưng theo số liệu 9 tháng được Tổng cục Thống kê công bố, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP mà không cần tăng trưởng tín dụng lên đến 21%. 18% sẽ là chỉ tiêu hợp lý hơn và không tạo nhiều áp lực lên lạm phát và nợ xấu các năm tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục