Minh bạch đấu thầu qua mạng nhờ giám sát cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2020 đang dần khép lại với việc triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ tại các bộ, ngành, địa phương được dự báo vượt xa chỉ tiêu đưa ra cả về số lượng gói thầu và chỉ tiêu giá trị. Mặc dù sự minh bạch đối với các khâu của quá trình lựa chọn nhà thầu ngày càng nâng cao, nhưng chất lượng thực hiện ĐTQM vẫn cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng và cộng đồng.
11 tháng năm 2020, đã có 87.388 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 270.312,7 tỷ đồng
11 tháng năm 2020, đã có 87.388 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng với tổng giá trị 270.312,7 tỷ đồng

Minh bạch thông tin mời thầu

Theo công bố của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, 11 tháng năm 2020, đã có 87.388 gói thầu thực hiện ĐTQM (chiếm tỷ lệ 86,1% số gói thầu có thể áp dụng ĐTQM trên Hệ thống); tổng giá trị gói thầu được thực hiện ĐTQM là 270.312,7 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 53,6%).

Năm 2021, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến được đưa vào vận hành, lộ trình năm 2021 đưa ra tỷ lệ thực hiện ĐTQM cao hơn 2020 sẽ góp phần nâng cao hơn nữa tính công khai, minh bạch, hứa hẹn những bước tiến vượt bậc trong ĐTQM.

Các khâu lựa chọn nhà thầu thực hiện qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày càng được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những “lực cản” từ sự thiếu quyết tâm, đâu đó vẫn còn “lợi ích nhóm” trong đấu thầu đang khiến hiệu quả của ĐTQM bị ảnh hưởng.

Từ ngày 1/2/2020, các bên mời thầu (BMT) phải công khai các văn bản liên quan đến hồ sơ mời thầu (HSMT)/hồ sơ yêu cầu (HSYC) lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, kể cả gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Quy định này tạo điều kiện cho nhà thầu tiếp cận HSMT, HSYC thuận lợi nhất, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư (CĐT), BMT với các nhà thầu. Đồng thời, nâng cao khả năng giám sát của cộng đồng đối với việc tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Tuy nhiên, một trong những phản ánh của các nhà thầu gửi tới Báo Đấu thầu phổ biến nhất là tình trạng các BMT “quên”, “thiếu”, “sót” tài liệu khi đăng tải HSMT. Các tài liệu thường bị thiếu là hồ sơ thiết kế bản vẽ kỹ thuật; các chương quan trọng như tiêu chuẩn đánh giá, bảng tiên lượng mời thầu…

Chưa kể đến, một số thông báo mời thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có sự bất nhất về thời điểm đóng/mở thầu giữa HSMT và thông báo mời thầu. Do đó, nhiều nhà thầu đã dở khóc dở cười khi bị quy là nộp HSDT “trễ” so với HSMT.

Ngoài ra, vấn đề trả lời làm rõ HSMT/HSYC của nhà thầu cũng bị không ít BMT khi tổ chức ĐTQM xem nhẹ, không được quan tâm, xử lý đúng hạn, có trường hợp “cố tình làm lơ”…, làm mất đi cơ hội tham gia dự thầu của nhà thầu.

Nếu thiếu quyết tâm, vẫn sẽ có nhiều gói thầu ĐTQM chỉ có 1 nhà thầu tham dự bởi những tiêu chí “gây khó” nhà thầu được BMT đưa ra khiến chỉ một hoặc một số ít nhà thầu có thể đáp ứng được.

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, đối với những gói thầu ĐTQM có 1 nhà thầu tham dự thầu, một số nguyên nhân có thể chỉ ra.

Cụ thể, HSMT không đưa ra các tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu nhưng lại không hấp dẫn các nhà thầu. Các gói thầu này thường có giá trị nhỏ, được mời thầu ở những địa phương, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, có nhiều HSMT đưa ra các tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu, tập trung ở các nhóm vấn đề: yêu cầu giấy tờ, chứng chỉ không phù hợp; yêu cầu về hợp đồng tương tự quá khắt khe; tiêu chuẩn đánh giá không phù hợp…

Đơn cử, tại Gói thầu Xây dựng nền, mặt đường, hệ thống chiếu sáng thuộc Dự án Đường nội thị và Gói thầu Xây dựng công trình đường Tôn Đức Thắng trên địa bàn TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có văn bản xác nhận của cơ quan quản lý thuế và cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế và nộp bảo hiểm xã hội tối thiểu đến hết tháng 2/2020. Tại một số gói thầu khác, HSMT yêu cầu giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy; yêu cầu chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức thi công xây dựng…

Về hợp đồng tương tự, một gói thầu sửa chữa nền, mặt đường, rãnh thoát nước dọc và hệ thống an toàn giao thông tại tỉnh Gia Lai yêu cầu tới 7 hợp đồng tương tự là quá nhiều. Một số gói thầu không nêu rõ hợp đồng tương tự là như thế nào; quy mô về hợp đồng tương tự quá chi tiết khiến nhà thầu khó có thể đáp ứng…

Minh bạch nhờ sự giám sát của cộng đồng

Thời gian qua, Báo Đấu thầu có nhiều bài viết phản ánh về các vấn đề trong công tác lựa chọn nhà thầu, như tình trạng nhà thầu không tiếp cận được HSMT; HSMT công khai không đầy đủ, thiếu hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; các tiêu chí đưa ra trong HSMT không phù hợp, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…

Tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, Thủ tướng yêu cầu CĐT, BMT công khai đường dây nóng của Báo Đấu thầu theo số điện thoại 0243.768.6611 khi phát hành HSMT/HSYC để nhà thầu có thể phản ánh kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Tất cả các hành vi vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định từ Điều 121 đến Điều 124 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan.

Sau hàng loạt bài viết phản ánh về việc nhiều BMT đăng thiếu hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công trong HSMT, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những cải tiến để khắc phục hạn chế này. Theo đó, từ ngày 9/12/2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chính thức triển khai chức năng đính kèm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (trường bắt buộc) trong quá trình đăng tải HSMT gói thầu xây lắp (gồm cả gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng và không qua mạng).

Đi liền với việc cải tiến tính năng này, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cũng đưa ra thông tin cảnh báo: “Trường hợp phát hiện BMT không đính kèm đầy đủ file HSMT và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh ngay cho CĐT, người có thẩm quyền theo địa chỉ nêu tại Bảng dữ liệu trong HSMT và phản ánh tới đường dây nóng của Báo Đấu thầu”.

Thông tin cảnh báo này một lần nữa khẳng định vai trò giám sát của bên thứ 3 là rất quan trọng trong quá trình công khai, minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu.

Không những vậy, đối với nhiều vụ việc mà Báo Đấu thầu phản ánh, nhiều BMT đã thừa nhận sai sót và có biện pháp khắc phục kịp thời, thậm chí là sự vào cuộc, kiên quyết xử lý sai phạm của CĐT, người có thẩm quyền.

Theo các chuyên gia đấu thầu, lợi ích từ việc thực hiện ĐTQM là rất lớn, song ĐTQM thành công hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của các BMT/CĐT đưa công tác đấu thầu đi đúng tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong quá trình ấy, vẫn rất cần sự giám sát từ cộng đồng, để chất lượng thực hiện ĐTQM được nâng cao hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục