Từ năm 2019 đến nay, tất cả các gói thầu bảo trì đường bộ đều được đấu thầu qua mạng, trừ các gói thầu sửa chữa đột xuất, tư vấn và kiểm toán dưới 500 triệu đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Ông đánh giá thế nào về kết quả đạt được trong đấu thầu quản lý, BTĐB giai đoạn 2015 - 2020?
Giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn có nhiều đổi mới, khởi sắc trong công tác quản lý, BTĐB. Trước đây, các công việc này đều được giao khoán, đặt hàng (chỉ định thầu) cho một số đơn vị thực hiện. Năm 2013, lần đầu tiên ngành đường bộ tổ chức đấu thầu rộng rãi thành công công tác bảo dưỡng thường xuyên hệ thống quốc lộ và thấy rằng, nhờ đấu thầu rộng rãi, mọi thành phần kinh tế có đủ năng lực đều có thể tham gia BTĐB, chất lượng của công tác này được nâng lên rõ rệt. Qua nghiên cứu thực tế và xây dựng các cơ chế, định mức, từ năm 2015, TCĐB đã quyết tâm chỉ đạo đấu thầu rộng rãi 100% công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ. Công tác BTĐB được đấu thầu thực hiện 3 năm/1 lần, giai đoạn 2015 - 2017 đã lựa chọn nhà thầu cho 129 gói thầu với tổng giá trị tiết kiệm đạt 82,049 tỷ đồng (bằng 5,54% tổng giá gói thầu). Giai đoạn 2018 - 2020 đã đấu thầu rộng rãi 116 gói thầu BTĐB, tiết kiệm 91,872 tỷ đồng (bằng 3% tổng giá gói thầu). Trong đó năm 2018 đã áp dụng ĐTQM 50% gói thầu sửa chữa định kỳ và đạt tỷ lệ tiết kiệm 3,3%.
Từ năm 2019 đến nay, 100% gói thầu quản lý, BTĐB đều được ĐTQM (trừ các gói thầu sửa chữa đột xuất, tư vấn và kiểm toán dưới 500 triệu đồng). Khi đẩy mạnh ĐTQM công tác BTĐB, số nhà thầu tham gia đã tăng lên, tính cạnh tranh cao hơn, giảm thiểu tiêu cực trong đấu thầu, giúp minh bạch và chuyên nghiệp hóa công tác BTĐB.
Công tác ĐTQM các gói thầu BTĐB thời gian tới sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Huyện |
Việc ĐTQM 100% các gói thầu BTĐB giai đoạn 2021 - 2023 đang được các Cục Quản lý đường bộ tích cực thực hiện và theo kế hoạch, toàn bộ công tác này sẽ hoàn thành trước ngày 31/3/2021. Tổng giá trị các gói thầu BTĐB trong 3 năm 2021, 2022, 2023 khoảng 4.500 tỷ đồng (tổng giá trị các gói thầu trung bình mỗi năm là 1.500 tỷ đồng). Việc đấu thầu công tác BTĐB cho 3 năm liên tiếp giúp tăng cường tính trách nhiệm của nhà thầu thực hiện. Nếu làm tốt, sửa chữa kịp thời thì hiệu quả sẽ gối đầu, năm đầu làm tốt thì các năm kế tiếp sẽ “nhàn hơn”, sẽ tiết giảm được chi phí sửa chữa hư hỏng trên đường bộ. Nhà thầu cũng mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ sửa chữa, BTĐB…
Khác với nhà thầu xây dựng công trình thông thường, nhà thầu làm công tác BTĐB cần bám sát công việc bất kể ngày nắng, ngày mưa, phải kịp thời phát hiện và sửa chữa thì mới tiết kiệm được chi phí bảo trì. Từ thực tế triển khai công tác BTĐB thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh ĐTQM, tôi cho rằng số lượng các nhà thầu tham gia công tác BTĐB sẽ ngày càng đa dạng, chuyên nghiệp hơn, nhiều công nghệ mới, tiên tiến được áp dụng để nâng cao tuổi thọ công trình, tiết giảm chi phí.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng nhà thầu được chọn qua ĐTQM?
Thực tế triển khai cho thấy, ĐTQM là công cụ hữu hiệu nhất để tăng tính cạnh tranh cho công tác BTĐB, có tỷ lệ tiết kiệm khá cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí cho nhà thầu, bên mời thầu. Đây là xu hướng chung của cuộc cách mạng 4.0 và xây dựng chính phủ liêm chính. Nhờ ĐTQM, chúng tôi đã loại bỏ được các nhà thầu yếu kém tham gia vào công tác BTĐB. ĐTQM giúp công khai, minh bạch hơn, cạnh tranh hơn và các nhà thầu chuyên nghiệp hơn…
Thời gian tới, ngành đường bộ tiếp tục đấu thầu rộng rãi qua mạng để lựa chọn những nhà thầu xứng đáng, đủ năng lực tham gia BTĐB. TCĐB sẽ bổ sung kinh phí để nâng cấp hạ tầng mạng, phục vụ tốt hơn công tác ĐTQM; giám sát chặt chẽ quá trình lập giá các gói thầu bảo dưỡng, BTĐB, đảm bảo tính đúng, tính đủ; công khai minh bạch các yếu tố hàng hóa, dịch vụ công ích trong công tác bảo trì; xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình ĐTQM cũng như trong triển khai BTĐB.
Trân trọng cảm ơn ông!