Mobile Money - “mỏ vàng” không dễ khai thác

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nếu dịch vụ Mobile Money được cấp phép trong tháng 6 như dự tính thì các doanh nghiệp viễn thông nhiều khả năng sẽ cung cấp dịch vụ này ra thị trường vào nửa cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020. Giới chuyên gia nhận định, Mobile Money đang được xem là “mỏ vàng” mới của các nhà mạng.
Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Ảnh: Nhã Chi
Các doanh nghiệp viễn thông đã sẵn sàng để triển khai dịch vụ Mobile Money. Ảnh: Nhã Chi

Miếng bánh hấp dẫn

Mobile Money là dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động, hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động. Các dịch vụ chính của Mobile Money gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hóa đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý (của các nhà mạng)…

Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 4/2020, Việt Nam có 125,7 triệu thuê bao điện thoại di động. Về mặt lý thuyết, toàn bộ số thuê bao này đều có thể tham gia vào sử dụng dịch vụ Mobile Money, nhưng trên thực tế, số thuê bao có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ ít hơn rất nhiều. Bởi, Mobile Money cơ bản hướng đến những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, khoảng 50% dân số, trong đó chủ yếu ở các vùng nông thôn, người nghèo thành thị, vùng sâu vùng xa.

Cũng bởi lý do trên nên “miếng bánh” cho Mobile Money được xem là rất lớn. Đặc biệt, trong số giao dịch có giá trị nhỏ dưới 100 nghìn đồng hiện nay, khoảng 90% vẫn dùng tiền mặt, do vậy, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media (thuộc Tập đoàn VNPT) cho rằng, cơ hội kinh doanh dịch vụ Mobile Money là rất lớn.

Theo lãnh đạo của Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong đề án thí điểm Mobile Money mà cơ quan này đã hoàn thiện và trình Chính phủ, hạn mức tối đa cho dịch vụ Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng. Nếu 1/5 số thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ và mức sử dụng trung bình chỉ cần 1 triệu đồng/tháng, dịch vụ này đã tạo ra một doanh số khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Giả sử nếu đạt con số lý tưởng hơn là 5 - 7 triệu hay tối đa 10 triệu/tháng, thì doanh số dịch vụ này tạo ra sẽ là vô cùng lớn.

Trong phép tính “khiêm tốn” và có thực tế của mình, một đại diện của Viettel Digital, đơn vị phụ trách dịch vụ Mobile Money của Tập đoàn Viettel, cho biết, đến năm 2025, Viettel dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money và mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao. Như vậy, doanh thu trung bình một tháng sẽ là khoảng 7.800 tỷ đồng. 

Nhưng…

Nhà mạng có thể biến Mobile Money thành “mỏ vàng” mới hay không? Tất nhiên câu trả lời vẫn còn ở thì tương lai và viễn cảnh là không hề dễ dàng chút nào.

Do đặc điểm của dịch vụ Mobile Money là “đánh vào khoảng trống của thị trường” - nơi người dân chưa có thẻ ngân hàng, tín dụng - những dịch vụ tài chính hiện đại, trong khi đối tượng chưa sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại này chủ yếu là người dân ở miền quê, vùng sâu vùng xa, người nghèo…, những đối tượng có mức chi tiêu thấp, rất thấp và đều không có tài khoản ngân hàng.

Trên thực tế, theo nhiều thống kê, dịch vụ Mobile Money chủ yếu phát triển ở các nước nghèo, kém phát triển, đặc biệt là khu vực châu Phi. Tại các khu vực có hệ thống tài chính, ngân hàng phát triển hiện đại, đồng bộ và rộng khắp như châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước phát triển ở châu Á, Mobile Money lại không có nhiều “đất sống”.

Do vậy, khi hệ thống tài chính, ngân hàng tại Việt Nam phát triển đồng bộ và phủ khắp, tức mọi người dân đều có tài khoản ngân hàng, đều sử dụng các dịch vụ tài chính hiện đại, điều đó đồng nghĩa với thị trường dịch vụ Mobile Money rất có thể cũng dần thu hẹp lại. Nhìn về viễn cảnh này, đại diện một nhà mạng thậm chí còn đưa ra dự báo “vòng đời” của Mobile Money tại Việt Nam chỉ khoảng 4 - 5 năm(!).

Một yếu tố nữa có thể xem là “lực cản” với sự phát triển của Mobile Money là hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa để người dùng trực tiếp thanh toán hóa đơn như tiền điện, nước, tiền điện thoại di động… Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang phát triển các app ứng dụng kết nối với các nhà bán lẻ… giúp người dùng (có tài khoản ngân hàng) có thể thanh toán khi mua sản phẩm, hàng hóa một cách tiện lợi, đơn giản và nhanh chóng.

Ngoài những “trở ngại” trên, để dịch vụ hoàn toàn mới này đến tay người dùng - những đối tượng không có tài khoản ngân hàng như phân tích ở trên, các nhà mạng nhiều khả năng sẽ phải bỏ một khoản lớn và kỳ công để “kích hoạt” giới thiệu, quảng bá, khuyến mại để người dùng tiếp cận dịch vụ và thay đổi thói quen mua sắm, tương tự các ví điện tử hiện nay. Cho dù các ví điện tử sau nhiều năm phát triển, vẫn đang ở “cuộc chiến khuyến mại” và phần lớn các ví vẫn chưa có lãi!

Tin cùng chuyên mục